Viện kiểm sát căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra?
Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như thế này là hình thức xử lý gì trong tố tụng hình sự?
Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 2015 gồm:
- Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
- Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
- Bắt buộc chữa bệnh.
Theo đó, bắt buộc chữa bệnh là một trong những biện pháp tư pháp áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp cơ quan chức năng xét thấy cần thiết.
Bắt buộc chữa bệnh
Viện kiểm sát căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra?
(1) Về điều kiện:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 447 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 về điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau:
"Điều 447. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
..."
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015:
"Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."
Bên cạnh đó, Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 cũng có quy định cụ thể về biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau:
- Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
- Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
(2) Về thẩm quyền
Căn cứ khoản 2 Điều 447 và Điều 450 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
"2. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án."
"Điều 450. Quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố
1. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ vào kết luận giám định, Viện kiểm sát có thể ra một trong các quyết định:
a) Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
c) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
d) Truy tố bị can trước Tòa án.
3. Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện kiểm sát có thể giải quyết vấn đề khác liên quan đến vụ án."
Như vậy, trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra, khi Viện kiểm sát xét thấy cần thiết cho quá trình điều tra vụ án thì sẽ yêu cầu áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Vì bạn không nêu cụ thể anh bạn thuộc trường hợp người có hành vi nguy hiểm cho xã hội hay người phạm tội, nên bạn cần đối chiếu với những thông tin bên trên để xác định được cách thức xử lý đúng nhất trong trường hợp của anh mình.
Chữa khỏi bệnh sau khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì xử lý như thế nào?
Tại Điều 454 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định về đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau:
- Biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện ở cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần do Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định theo quy định của pháp luật.
- Khi có thông báo của thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần về tình trạng bệnh của người bị bắt buộc chữa bệnh.
Căn cứ kết luận giám định về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải được cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án gửi ngay cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh và người đại diện của người bị bắt buộc chữa bệnh.
- Các hoạt động tố tụng, việc chấp hành hình phạt đã bị tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đã chữa khỏi bệnh và có kết luận giám định của cơ sở y tế nơi điều trị, Viện kiểm sát hoặc Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đề nghị phân công công chức thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải gồm những gì?
- Mẫu đơn đăng ký tổ chức hội chợ triển lãm thương mại mới nhất theo Nghị định 128 2024 thế nào?
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?