Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Bí mật nhà nước của tổ chức Công đoàn Việt Nam là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của tổ chức Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1818/QĐ-TLĐ năm 2024, bí mật nhà nước của tổ chức Công đoàn Việt Nam là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam?
Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 7 Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của tổ chức Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1818/QĐ-TLĐ năm 2024, bao gồm:
(1) Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật bao gồm:
- Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
- Trưởng các Ban, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn.
(2) Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật bao gồm:
- Những người quy định tại mục (1);
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
(3) Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật bao gồm:
- Những người quy định tại mục (2);
- Trưởng phòng và tương đương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam.
(4) Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước quy định tại mục (1), (2) có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Cấp Tổng Liên đoàn
Chủ tịch Tổng Liên đoàn ủy quyền cho Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực theo phân công nhiệm vụ của Thường trực Đoàn Chủ tịch.
Cấp ban: Trưởng ban ủy quyền cho Phó Trưởng ban (nếu ban chưa có Trưởng ban thì ủy quyền cho 1 đồng chí Phó Trưởng ban).
- Cấp tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành.
Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể, thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.
Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho người khác.
Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Theo khoản 5 Điều 7 Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của tổ chức Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1818/QĐ-TLĐ năm 2024, việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam được thực hiện như sau:
- Sau khi được người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này cho phép, người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
- Bản sao tài liệu bí mật nhà nước phải đóng dấu “Bản sao số” ở trang đầu và dấu “Bản sao bí mật nhà nước” ở trang cuối của tài liệu, trong đó phải thể hiện số thứ tự bản sao, hình thức sao y bản chính hoặc sao lục, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền sao, chữ ký, họ tên của người có thẩm quyền và con dấu của cơ quan, đơn vị. Trường hợp sao nhiều bản có thể thực hiện nhân bản từ văn bản bí mật nhà nước đã có chữ ký của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành tài liệu gửi đến, đóng dấu “Bản sao số”, “Bản sao bí mật nhà nước” vào văn bản sao, ghi hình thức sao, thời gian, số lượng, nơi nhận bản sao và trình lãnh đạo có thẩm quyền ký sao. Sau đó photocopy đủ số lượng đã được lãnh đạo duyệt ký sao; đóng dấu tròn đỏ của cơ quan, đơn vị trên các bản sao (trường hợp này, dấu bản sao số, dấu bản sao bí mật nhà nước là dấu đen được photo, nhưng dấu tròn của cơ quan, đơn vị là dấu đỏ; không phải đóng thêm dấu chỉ độ mật đỏ trên các bản sao).
- Bản trích sao tài liệu bí mật nhà nước phải thực hiện theo mẫu “Văn bản trích sao”, trong đó thể hiện đầy đủ nội dung trích sao, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền cho phép sao và con dấu của cơ quan, đơn vị. Bản trích sao phải đóng dấu độ mật tương ứng với tài liệu trích sao.
- Bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có “Văn bản ghi nhận việc chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước”, trong đó phải thể hiện tên, loại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, độ mật, thời gian, số lượng, nơi nhận, người thực hiện chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, thẩm quyền cho phép chụp và con dấu của cơ quan, đơn vị.
- Việc sao, chụp phải ghi nhận vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước” để quản lý và theo dõi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khu vực trong xây dựng bảng giá đất được xác định theo đơn vị hành chính nào? Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong xây dựng bảng giá đất?
- Tiêu chuẩn phi công kiêm dẫn đường quân sự cấp 1 trực thăng là gì? Ai có thẩm quyền quyết định phong cấp kỹ thuật phi công?
- Người khai hải quan được cơ quan hải quan cung cấp thông tin gì? Phải lưu giữ hồ sơ hải quan trong bao lâu?
- Rằm tháng Mười là Tết gì? Ngày rằm tháng 10 có ý nghĩa gì? 15 tháng 10 âm lịch 2024 là ngày mấy dương lịch?
- Biên bản lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải có xác nhận của ai?