Việc phân cấp sự cố môi trường dựa vào đâu? Chủ dự án đầu tư có phải gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cho cơ quan nhà nước không?
- Việc phân cấp sự cố môi trường dựa vào những căn cứ nào?
- Chủ dự án đầu tư có phải gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cho cơ quan nhà nước không?
- Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở bao gồm những nội dung nào?
- Chủ dự án đầu tư có trách nhiệm như thế nào trong việc ứng phó sự cố môi trường?
Việc phân cấp sự cố môi trường dựa vào những căn cứ nào?
Theo khoản 1 Điều 123 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường như sau:
Phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường
1. Việc phân cấp sự cố môi trường được căn cứ vào phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường tại thời điểm phát hiện sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó, bao gồm các cấp sau đây:
a) Sự cố môi trường cấp cơ sở là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
b) Sự cố môi trường cấp huyện là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố cấp cơ sở và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp huyện;
c) Sự cố môi trường cấp tỉnh là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố môi trường cấp huyện và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp tỉnh;
d) Sự cố môi trường cấp quốc gia là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường xuyên quốc gia.
Như vậy, sự cố môi trường sẽ được phân cấp dựa vào phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường tại thời điểm phát hiện sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó.
Ứng phó sự cố môi trường (Hình từ Internet)
Chủ dự án đầu tư có phải gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cho cơ quan nhà nước không?
Căn cứ theo Điều 110 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về việc công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cụ thể như sau:
Công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường
1. Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và gửi cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, cấp huyện trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện; gửi cho cơ quan trên địa bàn và cấp trên trực tiếp.
3. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của cơ sở; gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm cung cấp nội dung kế hoạch cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong trường hợp dự án, cơ sở nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Theo đó, chủ dự án đầu tư phải gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.
Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở bao gồm những nội dung nào?
Theo Điều 108 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở gồm các nội dung sau đây:
- Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở, các kịch bản đối với từng loại nguy cơ có thể xảy ra sự cố môi trường;
- Phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường bao gồm: công trình, thiết bị và bảo đảm vật tư, dụng cụ, phương tiện cần thiết để ứng phó sự cố môi trường; bố trí lực lượng tại chỗ để bảo đảm sẵn sàng ứng phó với từng kịch bản sự cố môi trường;
- Xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập về ứng phó sự cố môi trường cho lực lượng ứng phó sự cố tại chỗ;
- Phương thức thông báo, báo động khi xảy ra sự cố môi trường và huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó sự cố môi trường;
- Biện pháp tổ chức ứng phó sự cố môi trường đối với các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Chủ dự án đầu tư có trách nhiệm như thế nào trong việc ứng phó sự cố môi trường?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở.
Nếu như vượt quá khả năng ứng phó thì phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để phối hợp ứng phó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách viết Biên bản họp đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Các bước đánh giá chất lượng Đảng viên như thế nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế hay đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa?
- Tải mẫu Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo viên của cơ sở giáo dục phổ thông mới nhất? Ai có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện?
- Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể thường trực HĐND xã mới nhất chuẩn Hướng dẫn 25? Tải về mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể?
- Người lao động được hưởng BHXH một lần khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên không? Thời điểm được chi trả BHXH một lần là khi nào?