Việc khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên được thực hiện như thế nào? Khám sức khỏe cho thuyền viên bao gồm những nội dung gì?
Thủ tục, hồ sơ khám sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên
Theo Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BYT (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-BYT) quy định:
(1) Việc khám sức khỏe (sau đây viết tắt là KSK) cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
(2) Thủ tục KSK, KSK định kỳ đối với thuyền viên được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe (sau đây viết tắt là Thông tư 14/2013/TT-BYT), cụ thể như sau:
- Hồ sơ khám sức khỏe nộp tại cơ sở KSK. Hồ sơ quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2013/TT-BYT bao gồm:
+ Sổ KSK định kỳ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT;
+ Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc đối với trường hợp KSK định kỳ đơn lẻ hoặc có tên trong danh sách KSK định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc xác nhận để thực hiện KSK định kỳ theo hợp đồng.
- Sau khi nhận được hồ sơ KSK, cơ sở KSK thực hiện các công việc:
+ Đối chiếu ảnh trong hồ sơ KSK với người đến KSK;
+ Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu theo quy định tại Điểm a Khoản này đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
+ Kiểm tra, đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với người giám hộ của người được KSK đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
+ Hướng dẫn quy trình KSK cho người được KSK, người giám hộ của người được KSK (nếu có);
+ Cơ sở KSK thực hiện việc KSK theo quy trình.
Khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên
Khám sức khỏe đối với thuyền viên có những nội dung nào?
Khoản 3 Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BYT quy định nội dung khám sức khỏe đối với thuyền viên như sau:
- Việc KSK cho thuyền viên phải áp dụng theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam quy định tại Phụ lục số I Thông tư này và Danh mục các bệnh, tật không đủ điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam quy định tại Phụ lục số II Thông tư này.
- Việc KSK định kỳ cho thuyền viên phải theo các nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ của thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này.
- Cơ sở KSK cho thuyền viên lập Hồ sơ KSK cho thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư này và được lưu tại cơ sở đó.
Cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên quy định thế nào?
Khoản 4 Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BYT quy định việc cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên như sau:
- Trường hợp thuyền viên đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Phụ lục số I Thông tư này, cơ sở KSK cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số V ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên có giá trị trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày ký.
- Trường hợp thuyền viên đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Phụ lục số I Thông tư này nhưng mắc một hoặc một số bệnh, tật quy định tại Phụ lục số II Thông tư này, đồng thời chủ tàu có văn bản gửi cơ sở KSK cho thuyền viên đề nghị cấp Giấy chứng nhận sức khỏe và thuyền viên có Giấy cam kết tự nguyện đi làm việc trên tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục số VI ban hành kèm theo Thông tư này, Thủ trưởng cơ sở KSK xem xét cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số V ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký.
- Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên được lập thành 03 (ba) bản: 01 (một) bản gửi thuyền viên để lưu vào Hồ sơ của tàu, 01 (một) bản lưu vào hồ sơ của cá nhân thuyền viên do cơ quan quản lý thuyền viên lưu trữ và 01 (một) bản lưu tại cơ sở KSK cho thuyền viên.
Việc trả Hồ sơ KSK, Giấy chứng nhận sức khỏe và sổ KSK định kỳ đối với thuyền viên được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT, như sau:
- Giấy KSK được cấp 01 (một) bản cho người được KSK. Trường hợp người được KSK có yêu cầu cấp nhiều Giấy KSK thì cơ sở KSK thực hiện như sau:
+ Tiến hành việc nhân bản (photocopy) Giấy KSK đã có chữ ký của người kết luận trước khi đóng dấu. Số lượng Giấy KSK được nhân bản theo yêu cầu của người được KSK;
+ Sau khi tiến hành việc nhân bản, thực hiện việc dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào Giấy KSK bản photocopy và đóng dấu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 14/2013/TT-BYT.
- Thời hạn trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ:
+ Đối với trường hợp KSK đơn lẻ: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc KSK, trừ những trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện KSK;
+ Đối với trường hợp KSK tập thể theo hợp đồng: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
- Trường hợp người được KSK có xét nghiệm HIV dương tính thì việc thông báo kết quả xét nghiệm này phải theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Như vậy, thuyền viên thường xuyên được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 12 2024 sửa đổi 10 Thông tư về tiền lương thù lao tiền thưởng người lao động? Thông tư 12 2024 có hiệu lực khi nào?
- Kinh doanh là gì? Có thể hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh hay không?
- Đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh nước thải sinh hoạt thì có thuộc đối tượng phải đóng phí bảo vệ môi trường?
- Thông qua Nghị quyết giảm thuế GTGT 06 tháng đầu năm 2025 ngay trong tháng 11/2024 đúng không? Công văn 12477 lập đề nghị giảm thuế GTGT thế nào?
- Mức tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là bao nhiêu? Trường hợp nào tính tiền chậm nộp vi phạm hành chính?