Văn bản đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm những thông tin gì?
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn khi nào?
- Văn bản đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm những thông tin gì?
- Nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế thuộc trường hợp không cần đăng ký góp vốn thì phải thực hiện thủ tục gì?
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn khi nào?
Trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn được quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
...
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
...
Đối chiếu với quy định trên thì nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Việc góp vốn làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn khi nào? (Hình từ Internet)
Văn bản đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm những thông tin gì?
Văn bản đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
Thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài
...
2. Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);
b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
c) Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;
d) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 Nghị định này).
...
Như vậy, theo quy định, văn bản đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các thông tin sau:
- Thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn;
- Ngành, nghề kinh doanh;
- danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn vào tổ chức kinh tế;
- Giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn;
- Thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có).
TẢI VỀ Mẫu văn bản đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài (Mẫu A.I.7 ban hành kèm theo Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT).
Lưu ý: Tại Biểu A.I.7:
- Đối với nhà đầu tư cá nhân và người đại diện theo pháp luật là công dân có quốc tịch Việt Nam hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng lựa chọn sử dụng quốc tịch Việt Nam thì chỉ khai các thông tin: họ và tên, mã định danh cá nhân, địa chỉ liên hệ, điện thoại, email.
- Đối với các nhà đầu tư cá nhân và người đại diện theo pháp luật là công dân có quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng lựa chọn sử dụng quốc tịch nước ngoài thì khai các thông tin như hiện hành.
Nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế thuộc trường hợp không cần đăng ký góp vốn thì phải thực hiện thủ tục gì?
Căn cứ Điều 26 Luật Đầu tư 2020 quy định về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn như sau:
Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
1. Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
...
3. Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
...
Theo đó, đối với nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế thuộc trường hợp không bắt buộc phải đăng ký góp vốn thì thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?