Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là cơ quan có chức năng và nhiệm vụ gì? Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có vai trò gì trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế?
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là cơ quan có chức năng và nhiệm vụ gì?
Căn cứ vào Điều 66 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020) thì Ủy ban đối ngoại là một trong những Ủy ban của Quốc hội, cụ thể như sau:
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Các Ủy ban của Quốc hội gồm:
a) Ủy ban pháp luật;
b) Ủy ban tư pháp;
c) Ủy ban kinh tế;
d) Ủy ban tài chính, ngân sách;
đ) Ủy ban quốc phòng và an ninh;
e) Ủy ban văn hoá, giáo dục;
g) Ủy ban xã hội;
h) Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường;
i) Ủy ban đối ngoại.
...
Bên cạnh đó, theo Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội như sau:
- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
- Chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội;
+ Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại;
+ Thẩm tra đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại;
+ Giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước;
+ Giám sát hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;
+ Giám sát hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại của các ngành và địa phương;
+ Giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.
- Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
- Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.
- Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách;
+ Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước;
+ Về quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, các tổ chức quốc tế khác;
+ Về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội (Hình từ Internet)
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có vai trò gì trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế?
Căn cứ vào Điều 84 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế như sau:
Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế
1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại với cơ quan hữu quan của Quốc hội các nước, cơ quan hữu quan khác của nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế theo chính sách đối ngoại của Nhà nước.
2. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đề xuất, dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban. Ủy ban đối ngoại thẩm tra dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
3. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hằng năm, Ủy ban đối ngoại phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Như vậy, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội thẩm tra dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế hằng năm của Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra thì hằng năm, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội để báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Khách mời danh dự quốc tế tham dự kỳ họp Quốc hội do Ủy ban đối ngoại của Quốc hội quyết định có đúng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 (Có hiệu lực từ 15/03/2023) quy định về khách được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội như sau:
Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội
...
2. Khách mời danh dự trong nước,khách mời danh dự quốc tế do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về khách mời danh dự quốc tế trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc khách mời danh dự trong nước phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội; xem xét việc khách mời danh dự quốc tế phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội.
...
Như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chỉ có quyền trao đổi và thống nhất với Tổng thư ký Quốc hội để đề nghị Chủ tịch Quốc hội quyết định chứ không thể tự mình quyết định về khách mời danh dự quốc tế tham dự kỳ họp Quốc hội.
Trước đây, quy định người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội tại khoản 2 Điều 8 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 (Hết hiệu lực từ 15/03/2023) như sau:
Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội
...
2. Khách mời danh dự trong nước, quốc tế do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về khách mời danh dự quốc tế trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải mẫu bản cam kết không đi làm trễ? Có được xử lý kỷ luật người lao động đi làm trễ hay không?
- Nhà thầu chính trong xây dựng là ai? Nhà thầu chính có được ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu phụ không?
- Thuế suất hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thế nào? Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu có được miễn thuế?
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?