Tỷ lệ nợ xấu là gì? Khoản nợ xấu được xác định thế nào? Hình thức mua khoản nợ xấu của ngân hàng?
Tỷ lệ nợ xấu là gì? Khoản nợ xấu được xác định thế nào?
Căn cứ khoản 5, khoản 6 Điều 3 Thông tư 31/2024/TT-NHNN:
Giải thích từ ngữ
...
5. Nợ xấu (NPL) là nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
6. Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 7a Điều 3 Thông tư 19/2013/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 09/2017/TT-NHNN và điểm c khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2024/TT-NHNN) như sau:
Giải thích từ ngữ
...
7a. Khoản nợ xấu là khoản nợ được xác định như sau:
a) Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán;
b) Nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.
...
Theo đó, nợ xấu (NPL) được hiểu là nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5.
Và theo quy định trên thì khoản nợ xấu được xác định như sau:
- Nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán;
- Nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.
Tỷ lệ nợ xấu là gì? Khoản nợ xấu được xác định thế nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức mua bán, xử lý nợ có thể mua khoản nợ xấu của ngân hàng theo hình thức nào?
Hình thức mua khoản nợ xấu của ngân hàng được quy định tại Điều 197 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ
1. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường hoặc mua bằng trái phiếu đặc biệt, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức mua bán, xử lý nợ chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường.
2. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân.
3. Tổ chức mua bán, xử lý nợ được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.
Đối chiếu với quy định trên thì tổ chức mua bán, xử lý nợ có thể mua khoản nợ xấu của ngân hàng theo các hình thức sau đây:
- Mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường hoặc
- Mua khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt,
Ngoài ra, tổ chức mua bán, xử lý nợ cũng có thể chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Lưu ý: Tổ chức mua bán, xử lý nợ chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường.
Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia thế nào?
Theo quy định tại Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên sau đây:
(1) Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;
(2) Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;
(3) Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;
(4) Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;
(5) Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;
(6) Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người lao động có được xin tạm ứng tiền lương không? Mẫu đơn đề nghị tạm ứng tiền lương dành cho người lao động hiện nay?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành đoàn mới nhất? Quy trình bầu Ban Chấp hành đoàn khoá mới thế nào?
- Download mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai? Thời hạn đại diện giải quyết tranh chấp đất đai theo giấy ủy quyền?
- Mẫu nhận xét đánh giá đảng viên của chi bộ? Hướng dẫn chi bộ nhận xét đánh giá đảng viên thế nào?
- Mẫu Quyết định công nhận chi bộ trong sạch vững mạnh? Đơn vị có bao nhiêu đảng viên thì được lập chi bộ thuộc đảng ủy cơ sở?