Trong hợp đồng kinh tế, các bên thỏa thuận chọn một Tòa án cụ thể trước để giải quyết vụ án khi có tranh chấp xảy ra có được không?
Hợp đồng kinh tế là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có khái niệm cụ thể về Hợp đồng kinh tế.
Trước đây, các vấn đề xung quanh loại Hợp đồng này được quy định tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành (Hết hiệu lực ngày 01/01/2006).
Theo Pháp lệnh, Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
Hiện nay, khi soạn thảo Hợp đồng, không nên quy định chung chung là Hợp đồng kinh tế mà nên căn cứ vào mục đích, văn bản căn cứ để xác định tên gọi Hợp đồng chính xác và đúng quy định.
Chẳng hạn, nếu dự định soạn thảo Hợp đồng dựa trên các quy định của Luật Thương mại 2005 thì có thể soạn thảo Hợp đồng mua bán hàng hoá; Hợp đồng dịch vụ; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại; Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; Hợp đồng dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại… Hoặc, nếu căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015 thì có thể soạn thảo Hợp đồng mua bán tài sản; Hợp đồng mua bán nhà; Hợp đồng trao đổi tài sản; Hợp đồng tặng cho tài sản; Hợp đồng vay tài sản; Hợp đồng thuê tài sản…
Hợp đồng kinh tế (Hình từ Internet)
Trong hợp đồng kinh tế, các bên thỏa thuận chọn một Tòa án cụ thể trước để giải quyết vụ án khi có tranh chấp xảy ra thì có được không?
Theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.
Tại điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cho phép các bên thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết vụ án khi có tranh chấp.
Như vậy, việc thỏa thuận trong hợp đồng chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án khi có tranh chấp chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Phải là Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức (luôn luôn là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú hoặc có trụ sở).
- Việc lựa chọn đó phải đúng quy định về cấp Tòa án có thẩm quyền.
Do đó, trường hợp lựa chọn trước Tòa án giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế mà không thoả mãn các điều kiện nêu trên thì không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Tòa án có quyền không chấp nhận sự lựa chọn trước đó (trừ trường hợp trước khi khởi kiện, các bên có văn bản thỏa thuận lại phù hợp với các điều kiện trên).
Nếu việc thỏa thuận chọn trước một Tòa án cụ thể giải quyết mà không đúng thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trừ trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế trong các trường hợp nào?
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?
- 1 năm có bao nhiêu tuần học? Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2024 2025 của các địa phương ra sao?
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?