Trình tự, thủ tục để thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng được pháp luật về chứng khoán quy định như thế nào?
Chứng khoán là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh;
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Trình tự, thủ tục để thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng
Chào bán chứng khoán ra công chúng là gì?
Khoản 19 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 nêu khái niệm về chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
Để thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng thì tổ chức phát hành phải thực hiện những thủ tục gì?
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng ký chào bán
- Tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Bước 2: Gửi Bản cáo bạch chính thức
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc yêu cầu hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 06 Bản cáo bạch chính thức để hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc từ chối.
Bước 3: Công bố Bản thông báo phát hành
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực, tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán phải công bố Bản thông báo phát hành trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức (nếu có), Sở giao dịch chứng khoán.
- Bản cáo bạch chính thức phải được đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức (nếu có) và Sở giao dịch chứng khoán.
Bước 4: Phân phối chứng khoán
Tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán thực hiện phân phối chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.
Bước 5: Gửi Báo cáo kết quả đợt chào bán và công bố thông tin
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành, cổ đông đăng ký chào bán phải gửi Báo cáo kết quả đợt chào bán kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức (nếu có), Sở giao dịch chứng khoán về kết quả đợt chào bán.
Bước 6: Yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán
Sau khi có thông báo nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán được yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm gì khi nhận được tài liệu báo cáo kết quả đợt chào bán?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 41 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả đợt chào bán đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm:
- Thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán về việc nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán hoặc có quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong trường hợp kết quả đợt chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức phát hành thuộc trường hợp hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng như sau:
+ Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng không đáp ứng được điều kiện về tỷ lệ tối thiểu số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn của tổ chức phát hành;
+ Đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng không đáp ứng được điều kiện về huy động đủ phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành.
- Gửi cho Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Đăng tải thông tin về việc nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán hoặc quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Như vậy, khi doanh nghiệp muốn thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng thì phải tuân thủ các bước về thủ tục đăng ký chào bán được nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?