Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành có phải là hình thức tiền gửi được rút trước hạn không?
Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành có phải là hình thức tiền gửi được rút trước hạn không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN thì trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành là một loại giấy tờ có giá và là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng phát hành đối với người mua trái phiếu trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Và theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 04/2022/TT-NHNN thì Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN (được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 47/2024/TT-NHNN) quy định về các hình thức tiền gửi rút trước hạn như sau:
Hình thức tiền gửi rút trước hạn
1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
2. Tiền gửi có kỳ hạn.
3. Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.
4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó, có 04 hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm:
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
- Tiền gửi có kỳ hạn.
- Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.
- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Như vậy, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành không phải là hình thức tiền gửi được rút trước hạn theo quy định.
Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành có phải là hình thức tiền gửi được rút trước hạn không? (Hình từ Internet)
Yêu cầu của việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền mà tổ chức tín dụng cần biết?
Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 01/2021/TT-NHNN có quy định cụ thể về yêu cầu của việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền gồm:
(1) Trường hợp tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, trong phương án phát hành trái phiếu phải có nội dung về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền như sau:
- Người mua trái phiếu phải đáp ứng quy định pháp luật hiện hành về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền;
- Việc chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền chỉ được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
(2) Khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền, tổ chức tín dụng và người sở hữu trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng thương mại được hoạt động kinh doanh mua bán những loại trái phiếu nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại
1. Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
a) Dịch vụ quản lý tiền mặt; dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn;
b) Cung ứng các dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ thanh toán khác không qua tài khoản;
c) Mua, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu doanh nghiệp; mua, bán giấy tờ có giá khác, trừ mua, bán giấy tờ có giá quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
d) Dịch vụ môi giới tiền tệ;
đ) Kinh doanh vàng;
e) Dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán, thư tín dụng;
g) Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.
2. Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan:
a) Mua, bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;
b) Phát hành trái phiếu;
c) Lưu ký chứng khoán;
d) Nghiệp vụ ngân hàng giám sát;
đ) Đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho bên cho vay là tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
...
Như vậy, theo quy định thì ngân hàng thương mại được hoạt động kinh doanh mua bán các loại trái phiếu sau:
- Mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;
- Mua, bán trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương;
Ngoài ra, Ngân hàng thương mại còn có thể phát hành trái phiếu.
Lưu ý: Ngân hàng thương mại còn có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ngoài các hoạt động nêu trên theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khác của pháp luật có liên quan. (Theo khoản 3 Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm Quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử của Kiểm toán Nhà nước ra sao?
- Tra cứu điểm thi HSG quốc gia 2024 2025 mới nhất? Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024 2025 ở đâu?
- Mẫu biên bản nghiệm thu giám sát thi công công trình xây dựng mới nhất là mẫu nào? Tải về ở đâu?
- Dịch vụ công cộng tiện ích trong cụm công nghiệp gồm những gì? Dịch vụ công cộng tiện ích có thuộc nội dung quản lý nhà nước?
- Mẫu email chúc Tết Dương lịch dành cho đối tác? Tết Dương lịch tại Việt Nam có phải ngày lễ lớn?