Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất là gì? Trong đó Bộ Công thương có trách nhiệm thế nào?
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất là gì?
Căn cứ theo Điều 62 Luật Hóa chất 2007 thì trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất được quy định như sau:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi địa phương mình theo phân cấp của Chính phủ.
Cũng theo quy định này thì trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất ngoài Bộ Công thương còn có trách nhiệm của các cơ quan khác là các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất là gì? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác quản lý nhà nước về hóa chất là gì?
Về trách nhiệm của Bộ Công thương được quy định tại Điều 63 Luật Hóa chất 2007 (Được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), cụ thể như sau:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất của Bộ Công thương
1. Bộ Công thương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục hóa chất quốc gia; Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Danh mục hóa chất cấm; Danh mục hóa chất phải khai báo; Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;
c) Quản lý hóa chất sử dụng trong công nghiệp, hóa chất là tiền chất sử dụng trong công nghiệp và hóa chất thuộc Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; quản lý hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; ban hành Danh mục các hóa chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, sản phẩm tiêu dùng, trừ các sản phẩm do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;
d) Xây dựng Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia;
đ) Thống nhất quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; đăng ký, khai báo hóa chất; thông tin an toàn hóa chất;
e) Tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện an toàn hóa chất trong phạm vi cả nước;
g) Hướng dẫn xây dựng, tổ chức việc thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất;
h) Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động hóa chất và an toàn hóa chất;
i) Quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuyên môn nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương;
k) Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hóa chất;
l) Thanh tra về hoạt động hóa chất; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất;
m) Các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động hóa chất được Chính phủ phân công.
2. Chính phủ quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan nhà nước quản lý về hoạt động hóa chất thuộc Bộ Công thương để giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.
Bên cạnh Bộ công thương trách nhiệm của các cơ quan khác trong quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất là gì?
Bên cạnh trách nhiệm của Bộ công thương thì tại Điều 64 Luật Hóa chất 2007 quy định về trách nhiệm nhiệm quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất như sau:
Trách nhiệm quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất; xử lý, thải bỏ hóa chất độc tồn dư, hóa chất độc tồn dư của chiến tranh, hóa chất độc không rõ nguồn gốc và hóa chất độc bị tịch thu.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hóa chất theo thẩm quyền; trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ phù hợp với việc sử dụng hóa chất ít nguy hiểm.
3. Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải; xây dựng, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật về vận chuyển hóa chất nguy hiểm.
4. Bộ Y tế quản lý các hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế; phối hợp với các bộ, ngành quy định về vệ sinh an toàn lao động trong hoạt động hóa chất; phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Danh mục hóa chất cấm, Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y tế trình Chính phủ ban hành; ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong lĩnh vực y tế, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế, dược phẩm và phụ gia thực phẩm.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm; phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Danh mục hóa chất cấm, Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; ban hành Danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn phân loại, ghi nhãn và xây dựng phiếu an toàn hóa chất đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
6. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
7. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động tham gia hoạt động hóa chất; quản lý việc sử dụng hóa chất trong các cơ sở dạy nghề.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý việc sử dụng hóa chất trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất gồm:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Bộ Khoa học và Công nghệ
- Bộ Giao thông Vận tải
- Bộ Y tế
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
- Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đồng thời tại Điều 65 Luật Hóa chất 2007 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân như sau:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động hóa chất tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ, quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có cơ quan chuyên môn làm cơ quan đầu mối giúp Ủy ban thực hiện quản lý hoạt động hóa chất tại địa phương theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?