Tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính có bị thu hồi Giấy phép hoạt động không?
- Dịch vụ cổng thanh toán điện tử có được xem là dịch vụ trung gian thanh toán?
- Tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính có bị thu hồi Giấy phép hoạt động không?
- Tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử có được lựa chọn ngân hàng làm đối tác ký kết hợp đồng thỏa thuận cung ứng dịch vụ không?
Dịch vụ cổng thanh toán điện tử có được xem là dịch vụ trung gian thanh toán?
Căn cứ theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có giải thích như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
17. Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ là việc tiếp nhận, xử lý dữ liệu điện tử, tính toán kết quả thu hộ, chi hộ, hủy việc thu hộ, chi hộ cho khách hàng có tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng và thực hiện thanh toán cho các bên có liên quan.
18. Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng phương tiện thanh toán giữa khách hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
...
Đồng thời, căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ
1. Dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử. Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
...
Theo đó, dịch vụ cổng thanh toán điện tử được xem là dịch vụ trung gian thanh toán.
Dịch vụ cổng thanh toán điện tử có thể hiểu là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng phương tiện thanh toán giữa khách hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính có bị thu hồi Giấy phép hoạt động không? (Hình từ Internet)
Tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính có bị thu hồi Giấy phép hoạt động không?
Căn cứ vào Điều 27 Nghị định 52/2024/NĐ-CP về trường hợp thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:
Thu hồi Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
1. Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện thu hồi Giấy phép một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có đơn đề nghị thu hồi Giấy phép do chấm dứt hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Khi có hiệu lực bản án, quyết định thi hành án, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự có nội dung yêu cầu thu hồi Giấy phép của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc có văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thi hành án hình sự đề nghị thu hồi Giấy phép của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
d) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật, rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
...
Như vậy, tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ bị thu hồi Giấy phép hoạt động khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nội dung yêu cầu thu hồi Giấy phép.
Tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử có được lựa chọn ngân hàng làm đối tác ký kết hợp đồng thỏa thuận cung ứng dịch vụ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Thông tư 40/2024/TT-NHNN về quyền của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:
Quyền của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
...
3. Quy định loại phí và mức phí sử dụng dịch vụ phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
4. Lựa chọn ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức khác làm đối tác để ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận cung ứng, phát triển dịch vụ trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả và phù hợp với nội dung Giấy phép và quy định của pháp luật.
5. Các quyền khác theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đơn vị chấp nhận thanh toán, khách hàng và đối tác phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử có quyền lựa chọn ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc các tổ chức khác làm đối tác ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận cung ứng dịch vụ.
Việc ký kết phải dựa trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả và phù hợp với nội dung Giấy phép và quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gia hạn thời gian đóng thầu khi không có nhà thầu tham dự trong thời gian tối thiểu bao lâu?
- Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước mới nhất? Tải mẫu ở đâu? Báo cáo tài chính nhà nước phải được công khai trong thời hạn bao lâu?
- Mẫu phiếu tự phân tích chất lượng và đánh giá xếp loại của Đảng viên cuối năm? Tải về mẫu phiếu?
- Ghi mẫu 02B Bản kiểm điểm đảng viên phần phương hướng biện pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm Đảng viên thế nào?
- Thời gian đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK? Nhà đầu tư đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK phải nắm rõ điều gì?