Tiền lương tăng ca của người lao động có thuộc trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?
Tiền lương tăng ca của người lao động sẽ được doanh nghiệp trả như thế nào?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương tăng ca của người lao động sẽ được doanh nghiệp trả như sau:
(1) Người lao động tăng ca sẽ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
(3) Người lao động tăng ca vào ban đêm, ngoài việc trả lương tăng ca được nhận thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Tiền lương tăng ca của người lao động có thuộc trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không? (Hình từ Internet)
Tiền lương tăng ca của người lao động có thuộc trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?
Căn cứ Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về đối tượng được miễn thuế như sau:
Thu nhập được miễn thuế
1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
5. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
6. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
8. Thu nhập từ kiều hối.
9. Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, tiền lương tăng ca (bao gồm tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ) được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Các khoản thu nhập phát sinh từ tiền lương nào của người lao động mới thuộc đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) quy định về đối tượng chịu thuế như sau:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, các khoản thu nhập của người lao động phải đóng thuế thu nhập cá nhân gồm:
- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản:
(1) Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;
(2) Phụ cấp quốc phòng, an ninh;
(3) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;
(4) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;
(5) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
(6) Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức? Đảng viên dự bị có được biểu quyết không?
- Giá hợp đồng trọn gói là gì? Giá hợp đồng trọn gói được áp dụng cho các gói thầu xây dựng nào?
- Mẫu sổ tiếp nhận lưu trú mới nhất là mẫu nào? Sổ tiếp nhận lưu trú được sử dụng trong trường hợp nào?
- Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp áp dụng đối với hàng hóa từ đâu đến đâu theo quy định pháp luật?
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?