Thuế quan là gì? Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định thế nào?
Thuế quan là gì?
Thuế quan (Tariff) là một loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa khi chúng được nhập khẩu hoặc xuất khẩu qua biên giới của một quốc gia.
Đây là một công cụ quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của chính phủ nhằm điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu và bảo vệ nền kinh tế nội địa.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 20 Luật Quản lý ngoại thương 2017, hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được giải thích như sau:
- Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể.
- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch.
Thuế quan là gì? Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định thế nào?
Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định tại Điều 12 Thông tư 12/2018/TT-BCT như sau:
(1) Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của năm tiếp theo đối với các mặt hàng muối, trứng gia cầm, đường tinh luyện, đường thô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và thông báo cho Bộ Công Thương chậm nhất trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
(2) Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của năm tiếp theo đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu do Bộ Công Thương quyết định trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
(3) Trên cơ sở cam kết quốc tế, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đã được quyết định hàng năm theo quy định tại khoản (1), khoản (2), Bộ Công Thương chính thức công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm và quy định phương thức điều hành đối với từng mặt hàng.
Lưu ý: Danh mục hàng hóa quản lý theo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định tại Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BCT như sau:
STT | Tên hàng hóa | Mã HS (Áp dụng đối với toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm 4 số) |
1 | Đường tinh luyện, đường thô | 1701 |
2 | Muối | 2501 |
3 | Thuốc lá nguyên liệu | 2401 |
4 | Trứng gia cầm | 0407 (Không bao gồm trứng đã thụ tinh để ấp thuộc các mã HS: 04071110, 04071190, 04071911, 04071919, 04071991 và 04071999) |
Việc cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được quy định ra sao?
Việc cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được quy định tại Điều 15 Thông tư 12/2018/TT-BCT (được sửa đổi bởi Điều 25 Thông tư 42/2019/TT-BCT), cụ thể như sau:
(1) Trên cơ sở lượng hạn ngạch thuế quan công bố hàng năm và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân.
(2) Hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu TẢI VỀ: 1 bản chính.
- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
(3) Quy trình cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Thương nhân nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
- Thời hạn giải quyết việc cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân là trong vòng 10 ngày làm việc, tính từ thời điểm phân giao theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Thông tư 12/2018/TT-BCT và Bộ Công Thương nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, đúng quy định.
Trường hợp không cấp giấy phép, Bộ Công Thương trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(4) Thương nhân có trách nhiệm báo cáo định kỳ hằng quý trước ngày 10 của tháng đầu tiên quý kế tiếp hoặc đột xuất bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính về tình hình thực hiện nhập khẩu theo yêu cầu của Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 12/2018/TT-BCT TẢI VỀ.
Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, thương nhân có báo cáo (thay cho báo cáo quý III) gửi qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) đánh giá khả năng nhập khẩu cả năm đó, đề nghị điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch nhập khẩu được cấp hoặc báo cáo số lượng hàng hóa không có khả năng nhập khẩu để phân giao cho thương nhân khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng hoạt động theo chế độ gì? Thành phần tham gia xác minh, kiểm tra hiện trường thanh lý rừng trồng?
- 06 nguyên tắc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính? Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ?
- Tải về mẫu quyết định thưởng lương tháng 13? Công ty có nghĩa vụ thưởng lương tháng 13 cho người lao động?
- Mẫu quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí NSNN để mua sắm tài sản trang thiết bị mới nhất?
- Danh sách kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2024 chính thức? Xem toàn bộ danh sách ở đâu?