Thư ủy quyền là gì? Thủ tướng chính phủ khi đại diện ký kết Điều ước quốc tế có cần xuất trình thư ủy quyền không?
Thư ủy quyền là gì?
Căn cứ Điều 2 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 quy định như sau:
Những thuật ngữ được sử dụng
1. Theo mục đích của Công ước này
a) Thuật ngữ “điều ước” dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì.
b) Những thuật ngữ “phê chuẩn”, “chấp thuận”, “phê duyệt”, “gia nhập” dùng để chỉ, tùy từng trường hợp, một hành vi quốc tế của quốc gia, như tên vừa kể, theo đó quốc gia xác nhận sự đồng ý của mình, trên phương diện quốc tế, chịu sự ràng buộc của một điều ước.
c) Thuật ngữ “thư ủy quyền” dùng để chỉ một văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm của một quốc gia chỉ định một hoặc nhiều người để thay mặt mình trong việc đàm phán, thông qua hoặc xác thực văn bản của một điều ước để ghi nhận sự đồng ý của quốc gia mình chịu sự ràng buộc của một điều ước hoặc để thi hành mọi công việc khác có liên quan tới một điều ước.
d) Thuật ngữ “bảo lưu” dùng để chỉ một tuyên bố đơn phương, bất kể cách viết hoặc tên gọi như thế nào, của một quốc gia đưa ra khi ký kết, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập một điều ước, nhằm qua đó loại bỏ hoặc sửa đổi hiệu lực pháp lý của một số quy định của điều ước trong việc áp dụng chúng đối với quốc gia đó.
e) Thuật ngữ “quốc gia tham gia đàm phán” dùng để chỉ một quốc gia đã tham gia vào việc soạn thảo và thông qua văn bản của điều ước.
f) Thuật ngữ “quốc gia ký kết” dùng để chỉ một quốc gia đã đồng ý chịu sự ràng buộc của điều ước, dù điều ước đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực.
g) Thuật ngữ “một bên” dùng để chỉ một quốc gia đã đồng ý chịu sự ràng buộc của điều ước và đối với quốc gia này điều ước có hiệu lực.
h) Thuật ngữ “quốc gia thứ ba” dùng để chỉ một quốc gia không phải là một bên của điều ước.
i) Thuật ngữ “tổ chức quốc tế” dùng để chỉ một tổ chức liên chính phủ.
...
Theo đó, thư ủy quyền dùng để chỉ một văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm của một quốc gia chỉ định một hoặc nhiều người để thay mặt mình trong việc đàm phán, thông qua hoặc xác thực văn bản của một điều ước để ghi nhận sự đồng ý của quốc gia mình chịu sự ràng buộc của một điều ước hoặc để thi hành mọi công việc khác có liên quan tới một điều ước.
Thư ủy quyền là gì? Thủ tướng chính phủ khi đại diện ký kết Điều ước quốc tế có cần xuất trình thư ủy quyền không? (hình từ internet)
Thủ tướng chính phủ khi đại diện ký kết Điều ước quốc tế có cần xuất trình thư ủy quyền không?
Tại khoản 2 Điều 95 Hiến pháp 2013 có quy định Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu chính phủ, cụ thể như sau:
Điều 95.
1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
3. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Dẫn chiếu đến Điều 7 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 quy định như sau:
Thư ủy quyền
1. Một người được coi là đại diện cho một quốc gia để thông qua hoặc để xác thực văn bản của một điều ước hay để tỏ sự đồng ý của quốc gia chịu sự ràng buộc của điều ước:
a) Nếu người đó xuất trình thư ủy quyền thích hợp; hoặc
b) Nếu chiểu theo thực tiễn của các quốc gia hữu quan hoặc theo những hoàn cảnh khác, những quốc gia này có ý định coi người đó là đại diện của quốc gia mình nhằm đạt được những mục đích nêu trên và không đòi hỏi phải xuất trình thư ủy quyền.
2. Chiếu theo chức vụ của họ và không cần xuất trình thư ủy quyền, những người sau đây được coi là đại diện cho quốc gia của họ:
a) Các Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong mọi hành vi liên quan đến việc ký kết điều ước;
b) Các Trưởng đoàn ngoại giao trong việc thông qua văn bản của một điều ước giữa quốc gia cử và quốc gia nhận đại diện;
c) Những đại diện được cử của một quốc gia tại một hội nghị quốc tế hoặc tại một tổ chức quốc tế hoặc tại một cơ quan của tổ chức này, trong việc thông qua văn bản của một điều ước trong hội nghị quốc tế đó, trong tổ chức quốc tế đó hay trong cơ quan của tổ chức quốc tế đó.
Quy định này có nêu người đứng đầu Chính phủ là một trong những chức vụ không phải xuất trình thư ủy quyền khi đại diện quốc gia ký kết Điều ước quốc tế.
Từ những quy định trên có thể kết luận, Thủ tướng Chính phủ không phải xuất trình thư ủy quyền khi đại diện quốc gia ký kết Điều ước quốc tế.
Ngoài ký kết thì còn hình thức nào thể hiện sự ràng buộc với Điều ước quốc tế?
Tại Điều 11 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 quy định như sau:
Những hình thức biểu thị sự đồng ý chịu sự ràng buộc của một điều ước
Việc một quốc gia đồng ý chịu sự ràng buộc của một điều ước có thể biểu thị bằng việc ký, trao đổi các văn kiện của điều ước phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập hoặc bằng mọi cách khác được thỏa thuận.
Theo đó, ngoài ký kết thì việc thể hiện sự ràng buộc với Điều ước quốc tế còn có thể thực hiện bằng trao đổi các văn kiện của điều ước phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập hoặc bằng mọi cách khác được thỏa thuận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?