Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện thế nào?
- Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì?
- Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện thế nào?
- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu những hình thức xử phạt nào?
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật này.
...
Theo đó, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được hiểu là biện pháp được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt được quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
Hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
(1) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Biện pháp này được áp dụng đối với:
- Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng bảo hiểm xã hội.
(2) Khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
(3) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là:
- Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
- Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
(4) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
(5) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì? (Hình từ Internet)
Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện thế nào?
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được hiểu là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 thì việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước do Kiểm toán nhà nước chủ trì.
Các lực lượng Cảnh sát nhân dân, Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm phối hợp với Kiểm toán nhà nước thực hiện việc cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023, Điều 88 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung bởi các điểm a, b, c khoản 45 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) thì việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo trình tự sau đây:
(1) Ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Kiểm toán trưởng là người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(2) Gửi quyết định cưỡng chế thi hành:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Lưu ý: Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.
Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu quá thời hạn này mà không thi hành quyết định cưỡng chế thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó (trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả).
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu những hình thức xử phạt nào?
Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
(1) Cảnh cáo;
(2) Phạt tiền.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:
(1) Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực;
(2) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngành quản lý tòa nhà trình độ cao đẳng là ngành gì? Ngành quản lý tòa nhà hệ cao đẳng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp không?
- Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua bộ phận thường trực đến người có thẩm quyền trong thời hạn bao lâu?
- Quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được thiết kế như thế nào?
- Hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe từ 01/01/2025 thế nào?
- Cá nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất?