Thông chốt CSGT là gì? Thông chốt CSGT bị xử lý như thế nào? Cảnh sát giao thông có thể dừng phương tiện để kiểm tra trong những trường hợp nào?
Thông chốt CSGT là gì?
Theo quy định hiện hành không có định nghĩa cụ thể về hành vi thông chốt CSGT là gì.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì Cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA về việc Cảnh sát giao thông được tuần tra kiểm soát công khai như sau:
Tuần tra, kiểm soát công khai
...
2. Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông
a) Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định;
b) Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ;
c) Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
...
Theo đó, Cảnh sát giao thông có thể lập các điểm kiểm soát giao thông (thường được gọi là "Chốt CSGT") tại bất cứ đoạn đường nào đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Các chốt CSGT thường được lập tại các đoạn đường thường xuyên xảy ra vi phạm hoặc các khu vực có giao thông phức tạp để kịp thời giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giao thông.
Như vậy, thông chốt CSGT có thể được hiểu là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có hành vi không chấp hành yêu cầu dừng xe để kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông tại các chốt CSGT.
Lưu ý: Định nghĩa trên chỉ mang tính chất tham khảo dựa trên tình huống thực tế.
Thông chốt CSGT là gì? Thông chốt CSGT bị xử lý như thế nào? Cảnh sát giao thông có thể dừng phương tiện để kiểm tra trong những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Thông chốt CSGT bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì cá nhân có hành vi thông chốt CSGT (không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra của cảnh sát giao thông) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra như sau:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(Theo điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(Theo điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
(Theo điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
(Theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Xử phạt đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
(Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Ngoài ra, người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông cũng có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. (Theo điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Cảnh sát giao thông có thể dừng phương tiện để kiểm tra trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?