Hợp tác xã có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật không? Người đại diện có bắt buộc cư trú tại Việt Nam?
Hợp tác xã có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật không?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Hợp tác xã 2023 có quy định về người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã như sau:
Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là cá nhân đại diện cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đại diện cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, số lượng người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã được quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
...
2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, số lượng, chức danh, quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật; phân chia quyền, nghĩa vụ người đại diện theo pháp luật trong trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thực hiện theo quy định của Điều lệ.
Như vậy, theo quy định, hợp tác xã có thể có 01 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.
Khi đó, việc phân chia quyền, nghĩa vụ trong trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ thực hiện theo thực hiện theo quy định của Điều lệ Hợp tác xã.
Hợp tác xã có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật không? Người đại diện có bắt buộc cư trú tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã có bắt buộc cư trú tại Việt Nam?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
...
3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chỉ còn một người đại diện theo pháp luật mà người này trong vòng 30 ngày không thực hiện hoặc không thực hiện được quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật và không ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn nêu trên, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải tổ chức Đại hội thành viên bầu người đại diện theo pháp luật.
Theo quy định nêu trên thì hợp tác xã phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Trường hợp hợp tác xã chỉ có 01 người đại diện theo pháp luật thì người đại diện này phải cư trú tại Việt Nam. Trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật thì chỉ cần đảm bảo có ít nhất 01 người cư trú tại Việt Nam.
Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã có ký tên vào Giấy chứng nhận phần vốn góp không?
Căn cứ quy định tại Điều 75 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
Giấy chứng nhận phần vốn góp
1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên và ghi vào sổ đăng ký thành viên tại thời điểm góp đủ phần vốn góp.
2. Giấy chứng nhận phần vốn góp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số định danh cá nhân hoặc số giấy tờ pháp lý của cá nhân góp vốn; tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức góp vốn;
d) Phần vốn góp và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
đ) Số và ngày cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp lại Giấy chứng nhận phần vốn góp trong trường hợp Giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hỏng; cấp đổi Giấy chứng nhận phần vốn góp trong trường hợp có thay đổi nội dung Giấy chứng nhận phần vốn góp quy định tại khoản 2 Điều này; thu hồi Giấy chứng nhận phần vốn góp trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
4. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi Giấy chứng nhận phần vốn góp theo quy định của Điều lệ.
Như vậy, Giấy chứng nhận phần vốn góp của hợp tác xã cần phải có chữ ký, họ tên của người đại diện theo pháp luật.
Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Riêng khoản 3 Điều 115 Luật Hợp tác xã 2023 và khoản 4 Điều 115 Luật Hợp tác xã 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, VC để sắp xếp và giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định 178/2024?
- Sự cố công trình xây dựng làm chết 6 người trở lên thuộc sự cố cấp mấy? Quy định về hồ sơ sự cố công trình xây dựng?
- Mẫu Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng? Nguyên tắc kiểm tra giám sát và kỷ luật Đảng?
- Mẫu báo cáo hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới tại Việt Nam áp dụng từ ngày 25/12/2024 như thế nào?
- Tải mẫu bản cam kết tiếng Anh, bản cam kết song ngữ chuyên nghiệp? Bản cam kết tiếng Anh là gì?