Hội đồng nhân dân các cấp có bao nhiêu kỳ họp thường lệ? Quyết định vấn đề cấp bách giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân như thế nào?
Hội đồng nhân dân các cấp phải có bao nhiêu kỳ họp thường lệ?
Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định như sau:
Kỳ họp Hội đồng nhân dân
1. Hội đồng nhân dân họp mỗi năm ít nhất hai kỳ.
Hội đồng nhân dân quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ vào kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân đối với năm bắt đầu nhiệm kỳ và vào kỳ họp cuối cùng của năm trước đó đối với các năm tiếp theo của nhiệm kỳ theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Cụ thể hơn tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 có quy định như sau:
Việc tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền
1. Hội đồng nhân dân quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Hội đồng nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong kế hoạch cần nêu rõ số lượng các kỳ họp thường lệ, dự kiến thời gian tổ chức, nội dung của từng kỳ họp và các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Số lượng các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân ít nhất là 02 kỳ họp hoặc nhiều hơn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu thực tế của địa phương.
Trong quá trình thực hiện, theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan, Thường trực Hội đồng nhân dân có thể đề nghị Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh kế hoạch để bổ sung các kỳ họp thường lệ trong năm.
Theo đó, các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân các cấp ít nhất phải là 02 kỳ họp hoặc nhiều hơn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu thực tế của địa phương.
Hội đồng nhân dân các cấp có bao nhiêu kỳ họp thường lệ? Quyết định vấn đề cấp bách giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân như thế nào? (Hình từ Internet)
Quyết định vấn đề cấp bách giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 có quy định như sau:
Việc tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền
...
2. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định. Số lượng các kỳ họp bất thường, thời điểm tổ chức kỳ họp bất thường theo yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh tại địa phương.
Tại kỳ họp bất thường, Hội đồng nhân dân có thể xem xét, quyết định 01 hoặc nhiều nội dung theo thẩm quyền. Việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo trình tự, thủ tục như tại kỳ họp thường lệ.
Như vậy, khi có những vấn đề cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân, thì lúc này có thể triệu tập kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định.
Bao nhiêu đại biểu yêu cầu thì cuộc họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân mới được diễn ra?
Căn cứ khoản 2 Điều 78 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 một cụm từ được thay thế bởi khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 có quy định Hội đồng nhân dân họp chuyên đề khi Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
- Theo đó, hiện nay cuộc họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân các cấp có thể do các nhóm chủ thể sau yêu cầu:
+ Thường trực Hội đồng nhân dân,
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp
+ Hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân
- Như vậy, đối với trường hợp do đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu tổ chức họp bất thường, thì số lượng đại biểu phải là ít nhất một phần ba tổng số đại biểu.
- Cụ thể hơn thì kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 như sau:
+ Trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ, khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân bất thường.
+ Văn bản yêu cầu phải nêu lý do, có chữ ký, họ tên, địa chỉ của đại biểu Hội đồng nhân dân.
+ Quyết định triệu tập kỳ họp bất thường phải được gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Dự kiến chương trình kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân phải được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng quát về hệ thống giáo dục quốc dân như thế nào? Nền giáo dục Việt Nam lấy gì làm nền tảng?
- Mức kinh phí dự thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản do ai quyết định?
- Nhà nước có cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đối với dự án đầu tư sản xuất nuôi trồng thủy sản không?
- Kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra phải đảm bảo những căn cứ nào? Thời hạn kiểm tra tối đa là bao lâu?
- Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có nhiệm vụ và quyền hạn gì theo Quy định 191?