Thỏa thuận cho vay phải đảm bảo yêu cầu nào? Ngân hàng có được thu phí tin nhắn nhắc nợ của khách hàng không?
Cho vay và chủ thể của hoạt động cho vay vốn
Khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về khái niệm của hoạt động cho vay như sau:
"16. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi."
Khoản 2, 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng cho vay và các đối tượng được vay vốn gồm:
(1) Tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm:
- Ngân hàng thương mại;
- Ngân hàng hợp tác xã;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
- Tổ chức tài chính vi mô;
- Quỹ tín dụng nhân dân;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(2) Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:
- Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
Theo đó, hoạt động cho vay được xem là một nghiệp vụ ngân hàng, tiến hành giữa bên cho vay là các tổ chức tín dụng và bên vay vốn là những khách hàng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ngân hàng thì những tổ chức khác có thể thực hiện hoạt động cho vay gồm: tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều kiện của bên được vay vốn là gì?
Theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
(2) Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
(3) Có phương án sử dụng vốn khả thi.
(4) Có khả năng tài chính để trả nợ.
(5) Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Do đó, khi bạn đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn nêu trên thì có thể thực hiện thủ tục đề nghị vay vốn theo nhu cầu.
Thỏa thuận cho vay vốn cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Thỏa thuận cho vay vốn
Điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định những yêu cầu cần đáp ứng đối với thỏa thuận cho vay, gồm:
(1) Thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng;
b) Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
c) Mục đích sử dụng vốn vay;
d) Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
đ) Phương thức cho vay;
e) Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
g) Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;
h) Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;
i) Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;
k) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư này;
l) Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
m) Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo khoản 1 Điều 21 Thông tư này;
n) Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
o) Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.
(2) Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
(3) Thỏa thuận cho vay quy định tại khoản 1 và 2 Điều này được lập dưới hình thức thỏa thuận cho vay cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.
(4) Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thực hiện:
a) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng;
b) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin.
Ngân hàng có được thu phí tin nhắn nhắc nợ của khách hàng vay vốn không?
Thu phí tin nhắn nhắc nợ của khách hàng
Áp dụng quy định tại Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:
"Điều 14. Phí liên quan đến hoạt động cho vay
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:
1. Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
2. Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.
3. Phí thu xếp cho vay hợp vốn.
4. Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
5. Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan."
Theo quy định trên thì không đủ cơ sở ngân hàng thu phí tin nhắn nhắc nợ của khách hàng.
Như vậy, đối với nghiệp vụ cho vay vốn diễn ra giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về những điều kiện có thể tiến hành cũng như yêu cầu về thỏa thuận cho vay. Ngoài ra, khi bạn vay vốn tại tổ chức tín dụng thì bạn sẽ chỉ phải trả những khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, không bao gồm phí nhắc nhắn nợ do tổ chức tín dụng yêu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?