Thế nào là giá dịch vụ viễn thông áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông? Cơ quan ban hành quy định phương pháp định giá?
Thế nào là giá dịch vụ viễn thông áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông?
Căn cứ Điều 56 Luật Viễn thông 2023 về giá dịch vụ viễn thông như sau:
Giá dịch vụ viễn thông
1. Giá dịch vụ viễn thông gồm giá dịch vụ viễn thông áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông và giá dịch vụ giữa các doanh nghiệp viễn thông.
2. Giá dịch vụ viễn thông áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông là giá mà người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán cho doanh nghiệp viễn thông khi sử dụng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông cung cấp.
3. Giá dịch vụ giữa các doanh nghiệp viễn thông bao gồm:
a) Giá dịch vụ bán buôn là giá thanh toán giữa các doanh nghiệp viễn thông khi doanh nghiệp này mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông hoặc thuê mạng viễn thông của doanh nghiệp khác để cung cấp dịch vụ viễn thông;
b) Giá dịch vụ kết nối viễn thông là giá thanh toán giữa các doanh nghiệp viễn thông khi doanh nghiệp này sử dụng mạng của doanh nghiệp khác để kết cuối dịch vụ viễn thông.
Như vậy, giá dịch vụ viễn thông áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông là số tiền mà người sử dụng dịch vụ viễn thông phải thanh toán cho doanh nghiệp viễn thông khi họ sử dụng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp đó cung cấp.
Thế nào là giá dịch vụ viễn thông áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quy định phương pháp định giá dịch vụ viễn thông?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Viễn thông 2023 về quản lý giá dịch vụ viễn thông như sau:
Quản lý giá dịch vụ viễn thông
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, kế toán, kiểm toán phục vụ hoạt động quản lý giá dịch vụ viễn thông;
b) Tổ chức thực hiện kê khai, niêm yết giá dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật về giá;
c) Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; phối hợp quản lý hoạt động khuyến mại trong cung cấp dịch vụ viễn thông;
d) Kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá dịch vụ viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, tăng giá hoặc hạ giá dịch vụ viễn thông gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước.
2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:
a) Quy định về quản lý giá dịch vụ viễn thông;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy định phương pháp định giá dịch vụ viễn thông;
c) Quyết định giá dịch vụ viễn thông đối với các dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
3. Doanh nghiệp viễn thông có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định giá dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp, trừ dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
b) Trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án giá dịch vụ viễn thông do Nhà nước định giá;
c) Thực hiện phương pháp định giá dịch vụ viễn thông và các quy định quản lý giá dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
...
Như vậy, theo quy định trên thì Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy định phương pháp định giá dịch vụ viễn thông.
Lưu ý: Tại Điều 58 Luật Viễn thông 2023 thì việc định giá dịch vụ viễn thông được xác định trên cơ sở các căn cứ sau đây:
- Yếu tố hình thành giá dịch vụ viễn thông tại thời điểm định giá;
- Quan hệ cung - cầu của dịch vụ viễn thông.
Việc quản lý và điều tiết giá dịch vụ viễn thông phải được thực hiện theo những nguyên tắc nào?
Theo Điều 57 Luật Viễn thông 2023 thì quy định về nguyên tắc quản lý và điều tiết giá dịch vụ viễn thông như sau:
(1) Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ viễn thông và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ viễn thông đối với dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
(2) Hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông.
(3) Rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá dịch vụ viễn thông trong trường hợp cần thiết. Việc điều chỉnh giá dịch vụ viễn thông bảo đảm phù hợp với các căn cứ định giá quy định tại Điều 58 Luật Viễn thông 2023.
(4) Tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông.
(5) Phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(6) Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
(7) Bình đẳng, không phân biệt trong quản lý và quy định giá dịch vụ viễn thông.
(8) Không lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này để hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác của chính doanh nghiệp đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?