Tháng có sự chuyển giao từ hợp đồng thử việc sang hợp đồng lao động xác định thời hạn thì có đóng bảo hiểm xã hội trọn tháng đó không?
- Tháng có sự chuyển giao từ hợp đồng thử việc sang hợp đồng lao động xác định thời hạn thì có đóng bảo hiểm xã hội trọn tháng đó không?
- Nội dung hợp đồng lao động có bắt buộc phải có nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội không hay cứ thực hiện đóng theo quy định là được?
- Có nhiều hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?
Tháng có sự chuyển giao từ hợp đồng thử việc sang hợp đồng lao động xác định thời hạn thì có đóng bảo hiểm xã hội trọn tháng đó không?
Tháng có sự chuyển giao từ hợp đồng thử việc sang hợp đồng lao động xác định thời hạn thì có đóng bảo hiểm xã hội trọn tháng đó không, thì căn cứ khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
5. Người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
...
Cho nên, với quy định trên thì muốn biết có bắt buộc đóng hay không chị cần xem thời gian mà người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tính theo hợp đồng lao động thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Ngoài ra, chị lưu ý thêm người lao động thử việc sẽ được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu như người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về nội dung thử việc được ghi trong hợp đồng lao động đã ký kết thì lúc này sẽ tính vào.
Hợp đồng lao động (Hình từ Internet)
Nội dung hợp đồng lao động có bắt buộc phải có nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội không hay cứ thực hiện đóng theo quy định là được?
Căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Và theo khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
...
Theo đó mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan có quy định về mức đóng, trách nhiệm và quyền hạn của các bên tuy nhiên đây là quyền lợi rất quan trọng đối với người lao động cho nên nội dung này phải được thể hiện trong hợp đồng lao động.
Có nhiều hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:
Quản lý đối tượng
1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.
...
Theo đó, nếu người lao động có nhiều hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?