Tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng có bắt buộc phải ký lại hợp đồng lao động mới không?
- Tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng có bắt buộc phải ký lại hợp đồng lao động mới không?
- Doanh nghiệp không tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bị phạt bao nhiêu?
- Doanh nghiệp khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động cần lưu ý những gì để tránh bị xử phạt?
Tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng có bắt buộc phải ký lại hợp đồng lao động mới không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Do đó, khi người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp bắt buộc phải tăng lương cho người lao động theo quy định.
Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng hiện nay:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
>>>Xem chi tiết Bảng lương tối thiểu vùng theo tháng mới nhất tại đây Tải
Và theo quy định tại điểm điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là một trong những nội dung bắt buộc phải được thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc sửa đổi và bổ sung hợp đồng lao động như sau:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Như vậy, theo toàn bộ các quy định nêu trên thì công ty, doanh nghiệp có trách nhiệm phải tăng lương cho người lao động nếu mức lương hiện tại của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay.
Việc tăng lương có thể thực hiện bằng cách ký kết phụ lục hợp đồng lao động kèm theo hợp đồng lao động đã ký hoặc có thể giao kết hợp đồng lao động mới, tùy các bên thỏa thuận.
Lưu ý: Các bên có yêu cầu về sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng có bắt buộc phải ký lại hợp đồng lao động mới không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp không tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
...
Và theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, doanh nghiệp không tăng lương cho người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt tương ứng theo các mức phạt sau:
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Đồng thời, buộc doanh nghiệp phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vi phạm. (Theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Doanh nghiệp khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động cần lưu ý những gì để tránh bị xử phạt?
Doanh nghiệp khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động cần lưu ý những vấn đề tại Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP để tránh vi phạm dẫn đến bị xử phạt. Cụ thể:
(1) Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.
Doanh nghiệp phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
(2) Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.
Doanh nghiệp phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
(3) Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
- Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
- Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?