Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành bao nhiêu cấp độ? Tài sản này không xác định được chủ sở hữu thì phải thông báo cho ai?
Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành bao nhiêu cấp độ?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 05/2017/NĐ-CP thì tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành hai cấp độ như sau:
- Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 1 là những tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Gây mất an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hoạt động đường thủy nội địa tại khu vực nhưng chưa gây ách tắc luồng và chưa phải áp dụng biện pháp cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;
+ Có nguy cơ gây bệnh dịch cho con người và môi trường sống hoặc đe dọa đến tính mạng con người;
+ Có chứa đựng đến 100 tấn dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ hoặc đến 50 tấn hóa chất nguy hiểm, độc hại.
- Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 2 là những tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Gây ách tắc luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa hoặc phải cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;
+ Xảy ra tràn dầu hoặc hóa chất nguy hiểm, độc hại;
+ Gây bệnh dịch cho con người và môi trường sống hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người;
+ Có chứa đựng trên 100 tấn dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ hoặc trên 50 tấn hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành bao nhiêu cấp độ? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức lập phương án trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu?
Căn cứ tại điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 05/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Trách nhiệm lập phương án trục vớt tài sản chìm đắm
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có trách nhiệm trực tiếp hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện lập phương án trục vớt tài sản chìm đắm, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này để phê duyệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực hiện việc lập phương án đúng thời hạn quy định, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án quy định tại Điều 12 của Nghị định này quyết định giao tổ chức, cá nhân khác lập phương án trục vớt tài sản chìm đắm.
3. Cảng vụ có trách nhiệm tổ chức lập phương án trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm trong các trường hợp sau:
a) Chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực hiện lập phương án trục vớt tài sản chìm đắm đúng thời hạn theo quy định;
b) Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Như vậy, theo quy định trên thì Cảng vụ có trách nhiệm tổ chức lập phương án trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu.
Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu thì phải thông báo cho ai?
Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 05/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, việc thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tài sản chìm đắm có giấy tờ, tài liệu hoặc ký, mã hiệu có thể xác định được tên và địa chỉ chủ sở hữu tài sản chìm đắm thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm theo địa chỉ đã được tìm thấy;
b) Trường hợp tài sản chìm đắm chưa xác định được chủ sở hữu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin có tài sản chìm đắm, các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này phải thông báo 03 lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương để tìm chủ sở hữu tài sản chìm đắm. Nội dung thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp tài sản chìm đắm có yếu tố nước ngoài còn phải thông báo bằng tiếng Anh;
c) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo lần cuối theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc người đại diện hợp pháp phải liên lạc với cơ quan thông báo để làm thủ tục nhận lại tài sản hoặc thực hiện nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm:
a) Trường hợp đã xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm, Cảng vụ phải thông báo ngay cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm;
b) Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm, Cảng vụ có trách nhiệm báo cáo để Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc thông báo 03 lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương về việc tìm chủ sở hữu tài sản chìm đắm. Nội dung thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp tài sản chìm đắm có yếu tố nước ngoài còn phải thông báo bằng tiếng Anh.
Như vậy, theo quy định trên thì tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu thì Cảng vụ có trách nhiệm báo cáo để Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc thông báo 03 lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương về việc tìm chủ sở hữu tài sản chìm đắm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?