Tài nguyên hải đảo được yêu cầu quản lý như thế nào? Tài nguyên hải đảo được quy định khai thác, sử dụng như thế nào?
Tài nguyên hải đảo được yêu cầu quản lý như thế nào?
Tại Điều 39 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 (lưu ý: cụm từ quy hoạch không gian biển quốc gia, kế hoạch sử dụng biển được thay thế bởi khoản 11 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) quy định yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo như sau:
- Tài nguyên hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển quốc gia, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và quy định tại Chương này.
- Hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
- Bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Quản lý tài nguyên hải đảo
Quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo
Theo Điều 40 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo như sau
- Hải đảo được phân loại để bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng tài nguyên theo quy định của Chính phủ.
- Hồ sơ tài nguyên hải đảo bao gồm:
+ Phiếu trích yếu thông tin gồm: tên hoặc số hiệu hải đảo; loại hải đảo; vị trí, tọa độ, diện tích; quá trình khai thác, sử dụng hải đảo;
+ Bản đồ thể hiện rõ vị trí, tọa độ, ranh giới hải đảo;
+ Kết quả điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường hải đảo;
+ Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo và các thông tin khác có liên quan.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo trong phạm vi địa phương.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo.
Khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo pháp luật có quy định cụ thể như thế nào?
Căn cứ Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo như sau:
- Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Đối với quần đảo, đảo phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
+ Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;
+ Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo, chất lượng đất;
+ Khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản, nước ngầm; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi quần đảo, đảo;
+ Khai hoang, chặt cây, xâm hại thảm thực vật; mang thực vật hoang dã ra khỏi quần đảo, đảo;
+ Săn bắt, mang động vật ra khỏi quần đảo, đảo; chăn thả gia súc, đưa sinh vật ngoại lai lên quần đảo, đảo;
+ Thải hoặc đưa chất thải lên quần đảo, đảo.
- Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
+ Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;
+ Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo;
+ Khai hoang, khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm;
+ Thải hoặc đưa chất thải lên bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm.
- Các hoạt động quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này được phép thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Nhà nước Việt Nam; thực hiện công tác quản lý nhà nước;
+ Phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thực hiện chương trình, đề án, dự án của Nhà nước;
+ Phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;
+ Các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?