Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu bao gồm những gì?
- Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu bao gồm những gì?
- Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh thế nào?
- Khi xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng cần lựa chọn từ những tiêu chí nào?
Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu bao gồm những gì?
Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), có thể hiểu nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các công ước, hiệp định quốc tế.
Theo Công ước Paris 1883, Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam Liên minh Châu Âu (EVFTA), nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam có quyền được tôn trọng một cách bình đẳng với các nhãn hiệu nổi tiếng của quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Ngược lại, Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo tuân thủ các quy định chung của các công ước, hiệp định quốc tế đã tham gia đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu đó mà không cần thủ tục đăng ký.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu chứng minh bao gồm các thông tin về:
- Phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng;
- Danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ;
- Số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ;
- Giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu;
- Đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế;
- Các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền;
- Số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị;
- Xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng;
- Giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được;
- Kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ.
Lưu ý: Nhãn hiệu nổi tiếng có thể sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nếu:
- Nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận dẫn đến quyết định xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hoặc
- Nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận dẫn đến quyết định không bảo hộ nhãn hiệu khác theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm c khoản 22 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022).
Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh thế nào?
Việc chứng minh quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 65/2023/NĐ-CP như sau:
Căn cứ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp
...
2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 91 của Nghị định này.
...
Đồng thời, căn cứ điểm c khoản 5 Điều 91 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về chứng cứ chứng minh chủ thể quyền:
Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền
...
5. Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ xác lập quyền tương ứng theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ và được quy định cụ thể như sau:
a) Đối với bí mật kinh doanh: bản mô tả nội dung, hình thức lưu giữ, cách thức bảo vệ và phương thức có được bí mật kinh doanh;
b) Đối với tên thương mại: tài liệu chứng minh việc sử dụng hợp pháp tên thương mại, lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh sử dụng tên thương mại và quá trình sử dụng tên thương mại;
c) Đối với nhãn hiệu nổi tiếng: tài liệu thể hiện các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ và giải trình về quá trình sử dụng để nhãn hiệu trở thành nổi tiếng;
d) Đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế: các tài liệu, thông tin trong điều ước quốc tế có nội dung về công nhận, bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;
...
Vì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu như nguyên tắc đối với nhãn hiệu thông thường.
Do đó, khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ sau đây:
(1) Tài liệu thể hiện các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng;
(2) Giải trình về quá trình sử dụng để nhãn hiệu trở thành nổi tiếng.
Khi xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng cần lựa chọn từ những tiêu chí nào?
Căn cứ Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định thì việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây:
(1) Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
(2) Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
(3) Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
(4) Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
(5) Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
(6) Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
(7) Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
(8) Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- Nghị định 65/2023/NĐ-CP
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
- Thông tư 23/2023/TT-BKHCN
- Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam Liên minh Châu Âu
- Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ
- Công ước Paris 1883
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?