Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết được quy định như thế nào?
- Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết
- Tài sản công nào được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập?
- Các hình thức sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết
- Việc quản lý, sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết được quy định như thế nào?
- Tài sản công sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết có phải trích khấu hao hay không?
Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết
Khoản 1, 2 và 4 Điều 44 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết như sau:
(1) Quy định chung:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo Mẫu số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
b) Tài sản có giá trị lớn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56, điểm a khoản 2 Điều 57 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với loại tài sản và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
(2) Quy định đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Sở Tài chính (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý);
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công xem xét, có ý kiến về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý, báo cáo bộ, cơ quan trung ương để lấy ý kiến Bộ Tài chính; Sở Tài chính xem xét, có ý kiến về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết;
c) Hồ sơ gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm:
- Văn bản đề nghị kèm theo ý kiến đề xuất của bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính về đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết của đơn vị: 01 bản chính;
- Đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết của đơn vị: 01 bản;
- Văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị: 01 bản sao;
- Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao;
d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cho ý kiến về: Tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; sự cần thiết; sự phù hợp của đề án với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan; các nội dung trong đề án cần phải chỉnh lý, hoàn thiện;
đ) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) chỉ đạo đơn vị có đề án nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện đề án, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
e) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề án hoàn thiện của đơn vị, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) quyết định phê duyệt đề án theo thẩm quyền hoặc có văn bản hồi đáp đơn vị trong trường hợp không thống nhất với đề án. Riêng đối với đề án sử dụng tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt.
Tài sản công sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập
Tài sản công nào được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập?
Khoản 1, 2 và 3 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định tài sản được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập và việc lựa chọn đối tác để liên doanh liên kết như sau:
(1) Tài sản công được sử dụng gồm:
a) Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Nghị định này;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư;
c) Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định này.
(2) Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 44 Nghị định này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định cụ thể việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết.
(3) Lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết:
a) Sau khi có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, đơn vị sự nghiệp công lập thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết trên Trang thông tin của đơn vị (nếu có), Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính. Thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Thông tin của đơn vị có tài sản liên doanh, liên kết;
- Tài sản dự kiến liên doanh, liên kết;
- Phương án liên doanh, liên kết;
- Tiêu chí lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết theo quy định tại điểm c khoản này;
- Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký.
b) Đơn vị có tài sản căn cứ hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân và tiêu chí quy định tại điểm c khoản này để lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình.
c) Tiêu chí lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết bao gồm:
- Năng lực, kinh nghiệm của đối tác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết;
- Hiệu quả của phương án tài chính;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết của đối tác bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết;
- Phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết;
- Các tiêu chí khác phù hợp với mục đích liên doanh, liên kết, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị do đơn vị có tài sản công quyết định.
Các hình thức sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết
Căn cứ khoản 4 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, các hình thức sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết gồm:
- Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện liên doanh, liên kết và tự quản lý, sử dụng tài sản của mình, tự bảo đảm các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và được chia kết quả từ hoạt động liên doanh, liên kết theo hợp đồng;
- Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; các tài sản này được các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng kiểm soát việc quản lý, sử dụng;
- Hình thức liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và Hợp đồng liên doanh, liên kết.
Việc quản lý, sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết được quy định như thế nào?
Khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản công và việc quản lý chi phí thu được như sau:
(1) Quản lý, sử dụng tài sản công:
a) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức quy định tại điểm a khoản 4 Điều này, việc quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập tham gia liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định tại Nghị định này và Hợp đồng liên doanh, liên kết;
b) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức quy định tại điểm b khoản 4 Điều này, việc quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi góp vốn được thực hiện theo Hợp đồng liên doanh, liên kết;
c) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức quy định tại điểm c khoản 4 Điều này, tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để góp vốn liên doanh, liên kết do pháp nhân mới quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Tài sản tham gia liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập là quyền sử dụng đất, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết thuộc về Nhà nước. Đối với các tài sản khác sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo nguyên tắc sau:
a) Đối với tài sản tham gia liên doanh, liên kết theo hình thức quy định tại điểm a khoản 4 Điều này, sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định này;
b) Đối với tài sản liên doanh, liên kết theo hình thức quy định tại điểm b khoản 4 Điều này, sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo nguyên tắc phần tài sản thuộc về mỗi bên được xác định tương ứng với giá trị tài sản hoặc vốn góp khi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết;
c) Đối với các tài sản được hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức quy định tại điểm c khoản 4 Điều này, sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, các tài sản này được chia cho các bên tham gia liên doanh, liên kết theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên; trường hợp không chia được bằng hiện vật thì thực hiện bán cho các bên còn lại trong liên doanh theo giá thị trường; trường hợp các bên liên doanh không mua thì thực hiện bán theo hình thức đấu giá;
d) Trường hợp các bên tham gia trong liên doanh, liên kết tự nguyện chuyển giao không bồi hoàn quyền sở hữu phần tài sản của mình cho Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 107 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của Chính phủ về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
(3) Chi phí hợp lý có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết gồm:
a) Chi phí khấu hao tài sản cố định;
b) Chi phí định giá, thẩm định giá, đấu giá tài sản;
c) Chi phí quản lý, vận hành tài sản trong thời gian liên doanh, liên kết;
d) Chi phí hợp lý khác có liên quan.
(4) Số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài sản công sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết có phải trích khấu hao hay không?
Điểm c khoản 4 Điều 43 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 43. Yêu cầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Một số yêu cầu được quy định chi tiết như sau:
...
4. Thực hiện theo cơ chế thị trường quy định tại điểm h khoản 2 Điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
...
c) Tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được trích khấu hao theo quy định."
Có thể thấy, tài sản công sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết phải được trích khấu hao theo quy định.
Trên đây là một số quy định về việc lập đề án cũng như quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?