Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa như thế nào và hợp đồng vận tải hàng hoá, giấy gửi hàng hoá và giấy vận chuyển theo quy định pháp luật ra sao?
Hợp đồng vận tải hàng hóa, giấy gửi hàng hoá và giấy vận chuyển theo quy định pháp luật
Tại Điều 86 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định hợp đồng vận tải hàng hoá, giấy gửi hàng hoá và giấy vận chuyển
- Hợp đồng vận tải hàng hoá là sự thoả thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, trong đó xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Hợp đồng vận tải được lập thành văn bản hoặc theo các hình thức khác mà hai bên thoả thuận.
- Giấy gửi hàng hoá là bộ phận của hợp đồng vận tải do người thuê vận tải lập và gửi cho người kinh doanh vận tải trước khi giao hàng hoá. Giấy gửi hàng hoá có thể lập cho cả khối lượng hàng hoá thuê vận tải hoặc theo từng chuyến do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.
Giấy gửi hàng hoá phải ghi rõ loại hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; số lượng, trọng lượng hàng hoá; nơi giao hàng hoá, nơi nhận hàng hoá; tên và địa chỉ của người gửi hàng; tên và địa chỉ của người nhận hàng; những yêu cầu khi xếp, dỡ, vận tải hàng hoá.
- Giấy vận chuyển là chứng từ giao nhận hàng hoá giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.
Giấy vận chuyển do người kinh doanh vận tải lập sau khi hàng hoá đã xếp lên phương tiện và phải có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải uỷ quyền.
Giấy vận chuyển phải ghi rõ loại hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu hàng hoá; số lượng, trọng lượng hàng hoá; nơi giao hàng hoá, nơi nhận hàng hoá; tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; các chi tiết khác mà người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải thoả thuận ghi vào giấy vận chuyển; xác nhận của người kinh doanh vận tải về tình trạng hàng hoá nhận vận tải.
Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa
Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa như thế nào?
Căn cứ Điều 87 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hoá như sau:
- Người kinh doanh vận tải hàng hóa có quyền:
a) Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hoá để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của các thông tin đó;
b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thoả thuận trong hợp đồng;
c) Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng;
d) Yêu cầu giám định hàng hoá khi cần thiết;
đ) Lưu giữ hàng hoá trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.
- Người kinh doanh vận tải hàng hoá có nghĩa vụ:
a) Cung cấp phương tiện đúng loại, đúng địa điểm; bảo quản hàng hoá trong quá trình vận tải và giao hàng hoá cho người nhận hàng theo thoả thuận trong hợp đồng;
b) Thông báo cho người thuê vận tải biết thời gian phương tiện đến cảng, bến và thời gian phương tiện đã làm xong thủ tục vào cảng, bến. Thời điểm thông báo do các bên thoả thuận trong hợp đồng;
c) Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hoá trên phương tiện;
d) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng toàn bộ hoặc một phần hàng hoá xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này.
Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa pháp luật quy định như thế nào?
Tại Điều 88 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hoá như sau:
- Người thuê vận tải hàng hoá có quyền:
a) Từ chối xếp hàng hoá lên phương tiện mà người kinh doanh vận tải đã bố trí nếu phương tiện không phù hợp để vận tải loại hàng hoá đã thoả thuận trong hợp đồng;
b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải giao hàng hoá đúng địa điểm, thời gian đã thoả thuận trong hợp đồng;
c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 87 của Luật này.
- Người thuê vận tải hàng hoá có nghĩa vụ:
a) Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp về hàng hoá trước khi giao hàng hoá cho người kinh doanh vận tải; đóng gói hàng hoá đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hoá đầy đủ và rõ ràng; giao hàng hoá cho người kinh doanh vận tải đúng địa điểm, thời gian và các nội dung khác ghi trong giấy gửi hàng hoá;
b) Thanh toán cước phí vận tải và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng hoá; đối với hợp đồng thực hiện trong một chuyến thì phải thanh toán đủ sau khi hàng hoá đã xếp lên phương tiện, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng; đối với hợp đồng thực hiện trong một thời gian dài, nhiều chuyến thì hai bên thoả thuận định kỳ thanh toán, nhưng phải thanh toán đủ cước phí vận tải theo hợp đồng trước khi kết thúc chuyến cuối cùng, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng;
c) Cử người áp tải hàng hoá trong quá trình vận tải đối với loại hàng hoá bắt buộc phải có người áp tải.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gia hạn thời gian đóng thầu khi không có nhà thầu tham dự trong thời gian tối thiểu bao lâu?
- Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước mới nhất? Tải mẫu ở đâu? Báo cáo tài chính nhà nước phải được công khai trong thời hạn bao lâu?
- Mẫu phiếu tự phân tích chất lượng và đánh giá xếp loại của Đảng viên cuối năm? Tải về mẫu phiếu?
- Ghi mẫu 02B Bản kiểm điểm đảng viên phần phương hướng biện pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm Đảng viên thế nào?
- Thời gian đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK? Nhà đầu tư đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK phải nắm rõ điều gì?