Quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự được pháp luật quy định thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự được quy định thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Theo Điều 36 Luật Phòng thủ dân sự 2023, quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự được quy định cụ thể như sau:
(1) Cá nhân có các quyền sau đây:
- Tiếp cận thông tin về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật;
- Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật;
- Được hưởng tiền công lao động khi tham gia hoạt động phòng thủ dân sự theo quyết định huy động của người có thẩm quyền;
- Được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật;
- Khi tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa nếu bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; nếu bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì được xem xét, hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Phòng thủ dân sự 2023.
(2) Cá nhân có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo kế hoạch phòng thủ dân sự của địa phương;
- Tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tham gia hoạt động phòng thủ dân sự khi được huy động;
- Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để đảm bảo an toàn trước sự cố, thảm họa;
- Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi sự cố, thảm họa xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống sự cố, thảm họa; giúp đỡ người bị thiệt hại do sự cố, thảm họa tại địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc;
- Chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra, vào khu vực nguy hiểm; chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, tài sản để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của người có thẩm quyền;
- Thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về diễn biến, thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra khi có điều kiện thực hiện.
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự được pháp luật quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép là hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự đúng không?
Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Phòng thủ dân sự 2023 như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự
1. Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành, sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép.
2. Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự.
3. Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân.
4. Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa.
5. Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự.
6. Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có.
7. Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích.
9. Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Như vậy, hành vi từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép là hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự.
Trong hoạt động phòng thủ dân sự cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng thủ dân sự 2023, trong hoạt động phòng thủ dân sự cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
(1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(2) Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và Nhân dân.
(3) Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự.
(4) Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế;
Chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cơ, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.
(5) Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hộ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(6) Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(7) Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Môi giới thương mại có nằm trong các hoạt động trung gian thương mại của thương nhân hay không?
- Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mới nhất?
- Mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ thai sản mới nhất? Cách tính tiền trợ cấp của lao động nữ đi làm sớm sau thai sản như thế nào?
- Công dân có được giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hay không?
- Thiết kế xây dựng gồm những gì? Thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo mấy bước theo quy định?