Quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân theo Luật Nhà ở mới được quy định thế nào? Nhà nước có bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu?
Quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân theo Luật Nhà ở mới được quy định thế nào?
Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 6 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở
1. Cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, thuê, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân có nhà ở hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có nhà ở hợp pháp (đáp ứng điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam) thì có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật.
Cụ thể điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023
Quyền sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân theo Luật Nhà ở mới được quy định thế nào? Nhà nước có bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu? (Hình từ Internet)
Nhà nước có bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu hay không?
Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở
1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của chủ sở hữu theo quy định của Luật này.
2. Nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì Nhà nước quyết định mua trước nhà ở hoặc giải tỏa nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trường hợp mua trước nhà ở thì Nhà nước có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường; trường hợp giải tỏa nhà ở thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và thực hiện chính sách tái định cư cho chủ sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật. Trường hợp trưng mua, trưng dụng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Chiếu theo quy định trên, Nhà nước có bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của chủ sở hữu theo quy định.
Việc bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của chủ sở hữu được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2023.
Chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở có những quyền nào?
Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở được quy định tại Điều 10 Luật Nhà ở 2023, cụ thể như sau:
(1) Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các quyền sau đây:
- Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;
- Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và mục đích khác mà pháp luật không cấm;
- Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về đất đai;
- Bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở và các quyền khác theo quy định của pháp luật; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho đối tượng không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Trường hợp Luật Đất đai có quy định khác về quyền của chủ sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó;
- Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu chung, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;
- Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và pháp luật về xây dựng;
- Được bảo hộ quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 7 của Luật này;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền quy định tại Điều 20 Luật Nhà ở 2023.
(3) Người sử dụng nhà ở không phải là chủ sở hữu nhà ở được thực hiện quyền trong việc quản lý, sử dụng nhà ở theo thỏa thuận với chủ sở hữu nhà ở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?
- Mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản hội nghị tổng kết công tác Đảng ở đâu?
- Người đại diện cố ý thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm gì?