Quyền khác đối với tài sản là gì? Gồm những quyền nào? Quyền khác đối với tài sản có bị hạn chế, bị tước đoạt?
Quyền khác đối với tài sản là gì? Quyền khác đối với tài sản gồm những quyền nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo đó, tại Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Quyền khác đối với tài sản
1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
a) Quyền đối với bất động sản liền kề;
b) Quyền hưởng dụng;
c) Quyền bề mặt.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì quyền khác đối với tài sản quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
(1) Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).
(Điều 245 Bộ luật Dân sự 2015)
(2) Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định;
(Điều 257 Bộ luật Dân sự 2015)
(3) Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác.
(Điều 267 Bộ luật Dân sự 2015)
Quyền khác đối với tài sản là gì? Gồm những quyền nào? Quyền khác đối với tài sản có bị hạn chế, bị tước đoạt? (Hình từ Internet)
Quyền khác đối với tài sản có bị hạn chế, bị tước đoạt không? Biện pháp bảo vệ quyền khác đối với tài sản?
Căn cứ vào Điều 163 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền khác đối với tài sản.
Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng thì có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Theo đó, biện pháp bảo vệ quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Gây thiệt hại tài sản trong tình thế cấp thiết có được xem là xâm phạm quyền khác đối với tài sản?
Căn cứ vào Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết như sau:
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
2. Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra.
3. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật này.
Theo đó, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Do đó, trường hợp gây thiệt hại về tài sản trong tình thế cấp thiết thì không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 Bộ luật Dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh tại Việt Nam khi nào?
- Thay đổi hộ tịch là gì? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi hộ tịch? Phạm vi thay đổi hộ tịch như thế nào?
- Trường hợp các công trình chính có cùng một cấp, người đề nghị thẩm định có được lựa chọn cơ quan trình thẩm định?
- Phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất là gì? Sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước như thế nào?
- Định hướng sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141? Ưu điểm và nhược điểm của định hướng?