Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi. Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt như thế nào?
Các loại hình quy mô chăn nuôi
Căn cứ Điều 52 Luật Chăn nuôi 2018 về quy mô chăn nuôi:
“1. Quy mô chăn nuôi bao gồm các loại sau đây:
a) Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ;
b) Chăn nuôi nông hộ.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Theo đó, quy mô chăn nuôi cơ bản được chia thành 02 loại:
- Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ;
- Chăn nuôi nông hộ.
Chất thải chăn nuôi
Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi
Căn cứ Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại:
“1. Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác.
2. Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản;
b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng;
c) Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
3. Việc xử lý nước thải chăn nuôi được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;
c) Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
4. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.
5. Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.”
Căn cứ Điều 60 Luật Chăn nuôi 2018 về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ:
Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
“1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.”
Theo đó, quy định về việc xử lý chất thải chăn nuôi cụ thể như thế nào tùy thuộc vào quy mô chăn nuôi trang trại hay quy mô chăn nuôi nông hộ.
Vi phạm quy định xử lý chất thải chăn nuôi bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 30 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại:
“1. Hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
2. Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
3. Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.”
Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại hoàn toàn có thể bị xử phạt với mức tiền lên đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục như một biện pháp khắc phục hậu quả.
Căn cứ Điều 31 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo đó hành vi vi phạm quy quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ hoàn toàn có thể bị xử phạt với mức tiền lên đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục như một biện pháp khắc phục hậu quả.
Lưu ý: theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?