Ông ngoại thay cha mẹ đi đăng ký khai sinh cho cháu thì có cần làm giấy ủy quyền có công chứng, chứng thực không? Đăng ký khai sinh cần đảm bảo nội dung gì?
Ông ngoại có được thay cha mẹ đi đăng ký khai sinh cho cháu không?
Đăng ký khai sinh (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định người có trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:
Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, trong trường hợp vợ chồng bạn không đi đăng ký khai sinh được cho con thì cha vợ của bạn với tư cách là ông ngoại được thay vợ chồng bạn đi đăng ký khai sinh cho cháu theo quy định.
Có bắt buộc làm giấy ủy quyền có công chứng, chứng thực cho cha vợ đi đăng ký khai sinh cho cháu hay không?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:
Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, người được ủy quyền đi đăng ký khai sinh cho con gái của bạn là cha vợ (ông ruột) thì không phải bắt buộc làm giấy ủy quyền đi đăng ký khai sinh, nhưng phải thống nhất với vợ chồng bạn về các nội dung khai sinh.
Ngoài ra cũng theo khoản 1 Điều 2 Thông tư này quy định đối tượng được ủy quyền là cha ruột của người ủy quyền thì giấy ủy quyền không phải chứng thực.
Đăng ký khai sinh cần đảm bảo nội dung gì?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn chi tiết khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định nội dung đăng ký khai sinh cần đảm bảo các điều kiện như sau:
+ Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;
+ Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh.
Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014 và Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP;
+ Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch.
+ Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;
- Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
- Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
+ Căn cứ theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Lưu ý:
+ Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
+ Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?
- 1 năm có bao nhiêu tuần học? Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2024 2025 của các địa phương ra sao?
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?