Những hành vi nào bị coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp? Sử dụng hóa đơn không hợp pháp bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Những hành vi nào bị coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định thì sử dụng hóa đơn trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp:
(1) Hóa đơn giả;
(2) Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;
(3) Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;
(4) Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
(5) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
(6) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(7) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn trước ngày xác định bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn không hợp pháp.
Những hành vi nào được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp? (Hình từ Internet)
Sử dụng hóa đơn không hợp pháp bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp được quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
4. Nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền
a) Mức phạt tiền quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
...
Và khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
5. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định, tổ chức có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Lưu ý: Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp nêu trên không áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
Người nộp thuế là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn gồm những đối tượng nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định, người nộp thuế là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế bao gồm:
(1) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Luật Chứng khoán 2019, Luật Dầu khí 2022, Luật Thương mại 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác;
Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn;
(2) Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập;
(3) Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012;
(4) Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam;
(5) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
(6) Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?