Nhập khẩu phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí thì có phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam không?
Phân bón là gì? Có những loại phân bón nào?
Theo Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 thì phân bón được định nghĩa như sau:
Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
Theo Điều 3 Nghị định 84/2019/NĐ-CP thì phân bón được phân loại như sau:
- Nhóm phân bón hóa học (còn gọi là phân bón vô cơ) gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp, được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản và tùy theo thành phần, hàm lượng hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính đối với cây trồng hoặc liên kết hóa học của các nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Nhóm phân bón hữu cơ gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp), được xử lý thông qua quá trình vật lý (làm khô, nghiền, sàng, phối trộn, làm ẩm) hoặc sinh học (ủ, lên men, chiết) và tùy theo thành phần, chức năng của các chỉ tiêu chất lượng chính hoặc quá trình sản xuất được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Nhóm phân bón sinh học gồm các loại phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất sinh học như axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác và tùy theo thành phần hoặc chức năng của chỉ tiêu chất lượng chính trong phân bón được phân loại chi tiết trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Phân bón rễ là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất.
- Phân bón lá là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.
Nhập khẩu phân bón dùng cho sân thể thao
Nhập khẩu phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí thì có cần phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam không?
Theo Điều 36 Luật Trồng trọt 2018 thì yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành và phân loại phân bón được quy định như sau:
- Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn.
- Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.
- Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.
- Chính phủ quy định về phân loại phân bón.
Theo Điều 44 Luật Trồng trọt 2018 thì nhập khẩu phân bón được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân có phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và không cần Giấy phép nhập khẩu phân bón.
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong trường hợp sau đây:
+ Phân bón để khảo nghiệm;
+ Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
+ Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
+ Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
+ Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
+ Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
+ Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
+ Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.
- Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón.
Như vậy, trong trường hợp nhập khẩu phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí thì không cần phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam nhưng phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón.
Hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón được quy định như thế nào?
Theo Điều 20 Nghị định 84/2019/NĐ-CP thì hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón được quy định như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón gồm:
+ Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón theo Mẫu số 13 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Tờ khai kỹ thuật theo Mẫu số 14 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Văn bản của nhà sản xuất về chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và yếu tố hạn chế trong phân bón;
+ Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt);
+ Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt);
+ Đề cương nghiên cứu về phân bón đề nghị nhập khẩu (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt);
+ Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài (Trường hợp nhập khẩu phân bón theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt).
- Trình tự và thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón theo Mẫu số 15 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?