Nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai có gì khác nhau? Có được ủy quyền quản lý nhà ở hình thành trong tương lai?
Nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai có gì khác nhau?
Tại Điều 2 Luật Nhà ở 2023 giải thích một số từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
22. Thuê mua nhà ở là việc người thuê mua thanh toán trước cho bên cho thuê mua một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị nhà ở thuê mua theo thỏa thuận nhưng không quá 50% giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hằng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định do các bên thỏa thuận; sau khi hết thời hạn thuê mua nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
23. Nhà ở có sẵn là nhà ở đã hoàn thành việc xây dựng và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
24. Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, có thể thấy sự khác nhau giữa nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở có sẵn đã xây dựng xong và đã được nghiệm thu đưa vào xây dựng, còn nhà ở hình thành trong tương lai thì chưa xây dựng xong (đang trong quá trình đầu tư xây dựng) hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai có gì khác nhau? Có được ủy quyền quản lý nhà ở hình thành trong tương lai? (Hình từ Internet)
Có được ủy quyền quản lý nhà ở hình thành trong tương lai không?
Căn cứ quy định tại Điều 186 Luật Nhà ở 2023 về nội dung, phạm vi ủy quyền quản lý nhà ở như sau:
Nội dung, phạm vi ủy quyền quản lý nhà ở
1. Ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.
2. Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự.
3. Bên ủy quyền quản lý nhà ở phải trả chi phí quản lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo quy định nêu trên, việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.
Như vậy, không được ủy quyền quản lý nhà ở hình thành trong tương lai.
Lưu ý:
Việc ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định tại Điều 187 Luật Nhà ở 2023 như sau:
- Việc ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung đồng ý.
- Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần, chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần có quyền ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác quản lý phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu chung khác; có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu khác biết việc ủy quyền quản lý nhà ở.
Chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở là gì?
Chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở được quy định tại Điều 4 Luật Nhà ở 2023, cụ thể như sau:
(1) Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người đều có chỗ ở thông qua việc thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của cá nhân, gia đình, hỗ trợ vốn để cải tạo, xây dựng lại nhà ở;
Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công (sau đây gọi chung là vốn đầu tư công) để cho thuê, cho thuê mua.
(2) Nhà nước có trách nhiệm tạo quỹ đất ở thông qua phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.
(3) Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, vật liệu xây dựng mới để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.
(4) Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính về đất đai, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
(5) Nhà nước có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu và ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với từng loại nhà ở phù hợp với từng khu vực, từng vùng, miền; có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng.
(6) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(7) Nhà nước có chính sách về quản lý, sử dụng nhà ở bảo đảm hiệu quả, an toàn, đúng mục đích và công năng sử dụng của nhà ở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việc áp dụng thuế chống trợ cấp có được thực hiện trước khi tiến hành điều tra không? Thời hạn áp dụng thuế chống trợ cấp là bao lâu?
- Tiêu chuẩn Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc bắt buộc phải có đề tài nghiên cứu khoa học có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc?
- Đoàn viên được làm lễ trưởng thành đoàn khi nào? Đoàn viên quá 30 tuổi được tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn khi nào?
- Thẻ căn cước gắn chíp có định vị được không? Thẻ căn cước có giá trị thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không?
- Có thu hồi đất đối với tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể không?