Nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất là gì?
- Nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất là gì?
- Quy định về điều chỉnh ảnh hưởng trực tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư ra sao?
- Điều chỉnh ảnh hưởng gián tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến các luồng tiền trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được quy định thế nào?
Nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất là gì?
Cụ thể tại Điều 70 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất như sau:
- Luồng tiền mua hoặc thanh lý công ty con bị ảnh hưởng bởi số dư tiền và tương đương tiền của công ty con tại thời điểm công ty mẹ mua hoặc thanh lý công ty con. Vì vậy công ty mẹ phải điều chỉnh trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất đối với số dư tiền và tương đương tiền tại công ty con được bán hoặc thanh lý.
- Khi mua hoặc thanh lý công ty con, công ty mẹ phải loại trừ toàn bộ các khoản phi tiền tệ chi trả hoặc thu được ra khỏi Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Công ty mẹ phải xác định chi tiết:
+ Tổng giá mua hoặc giá thanh lý công ty con;
+ Phần giá mua hoặc giá thanh lý được thanh toán bằng tiền, tương đương tiền và bằng các tài sản phi tiền tệ hoặc các khoản nợ phải trả phát sinh liên quan trực tiếp tới việc mua, thanh lý công ty con.
+ Khi công ty mẹ mua hoặc thanh lý công ty con, tài sản và nợ phải trả của công ty con được mua hoặc bị thanh lý sẽ ảnh hưởng đến Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Do đó công ty mẹ phải điều chỉnh trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất đối với giá trị các tài sản hoặc nợ phải trả (ngoài các khoản tiền và tương đương tiền) của công ty con được mua hoặc thanh lý (bao gồm cả lợi thế thương mại nếu có).
Tải về mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ mới nhất 2023: Tại Đây
Nguyên tắc điều chỉnh ảnh hưởng từ giao dịch mua, thanh lý công ty con trong kỳ đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất là gì? (Hình từ Internet)
Quy định về điều chỉnh ảnh hưởng trực tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư ra sao?
Theo Điều 71 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về điều chỉnh ảnh hưởng trực tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư, cụ thể như sau:
- Các khoản tiền chi ra khi mua hoặc thu về thanh lý công ty con được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
- Khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, Công ty mẹ phải trình bày luồng tiền thu về hoặc chi ra trên cơ sở thuần bằng cách điều chỉnh với số tiền và tương đương tiền của công ty con sẵn có tại thời điểm mua hoặc thanh lý:
+ Số tiền hoặc tương đương tiền chi ra để mua công ty con được giảm trừ với số tiền hoặc tương đương tiền công ty con có sẵn tại thời điểm được mua;
+ Số tiền hoặc tương đương tiền thu về khi thanh lý công ty con được giảm trừ với số tiền hoặc tương đương tiền công ty con có sẵn tại thời điểm bị thanh lý.
Ví dụ: Trình bày luồng tiền mua, thanh lý công ty con
- Công ty mẹ thanh lý toàn bộ một công ty con với giá 75 tỷ VND. Hình thức thanh toán mà bên mua trả cho công ty mẹ như sau:
Trái phiếu 48 tỷ
Tiền 27 tỷ
75 tỷ
Tại thời điểm thanh lý, công ty con có số dư tiền là 5 tỷ
Chỉ tiêu “Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được trình bày là 22 tỷ (27 tỷ - 5 tỷ)
- Công ty mẹ mua một công ty con với giá 100 tỷ VND, hình thức thanh toán của công ty mẹ như sau:
Phát hành cổ phiếu cho bên bán (giá trị hợp lý): 60 tỷ
Thanh toán bằng tiền: 30 tỷ
Thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ (giá trị hợp lý): 10 tỷ
100 tỷ
Tại thời điểm mua, công ty con có số dư tiền là 12 tỷ
Chỉ tiêu “Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được trình bày là 18 tỷ (30 tỷ - 12 tỷ) bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
Điều chỉnh ảnh hưởng gián tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến các luồng tiền trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được quy định thế nào?
Theo Điều 72 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về điều chỉnh ảnh hưởng gián tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến các luồng tiền trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất như sau:
Điều chỉnh ảnh hưởng gián tiếp của giao dịch mua, thanh lý các công ty con đến các luồng tiền trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
1. Khi công ty con được mua hoặc bị thanh lý trong kỳ thì số đầu kỳ và số cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất của toàn tập đoàn không nhất quán, công ty mẹ phải thực hiện những điều chỉnh phù hợp cho số liệu đầu kỳ khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.
2. Việc điều chỉnh số dư tài sản đầu kỳ khi mua và thanh lý công ty con trong kỳ được thực hiện như sau:
- Cộng thêm số dư tài sản và nợ phải trả của công ty con được mua trong kỳ theo số liệu tại thời điểm mua;
- Loại trừ số dư tài sản và nợ phải trả của công ty con được thanh lý trong kỳ theo số liệu tại thời điểm thanh lý.
Ví dụ: Dưới đây là thông tin được lấy từ Bảng cân đối kế toán hợp nhất của công ty Mẹ, biết rằng toàn bộ TSCĐ hữu hình mua trong kỳ đã được thanh toán bằng tiền.
Số cuối kỳ Số đầu kỳ
TSCĐ hữu hình 15tỷ 12tỷ
a) Nếu Công ty mẹ không mua hoặc thanh lý công ty con trong kỳ và toàn bộ giá trị TSCĐ hữu hình mua đã được trả bằng tiền thì chỉ tiêu “Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất sẽ được trình bày là 3 tỷ.
b) Nếu công ty mẹ có mua một công ty con trong kỳ, tại ngày mua công ty con có giá trị TSCĐ hữu hình được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán là 2 tỷ thì giá trị TSCĐ hữu hình mua trong kỳ được trình bày trong chỉ tiêu “Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất sẽ được xác định như sau:
- Giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ 12 tỷ
- Giá trị TSCĐ hữu hình tăng từ việc mua công ty con 2 tỷ
- Tổng giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ được điều chỉnh 14 tỷ
- Giá trị TSCĐ hữu hình cuối kỳ 15 tỷ
- Tiền mua TSCĐ hữu hình trong kỳ 1 tỷ
Mặc dù tổng giá trị TSCĐ hữu hình tại thời điểm cuối kỳ đã tăng thêm 3 tỷ so với thời điểm đầu kỳ nhưng tập đoàn thực sự không bỏ ra 3 tỷ để mua TSCĐ hữu hình vì 2 tỷ giá trị TSCĐ hữu hình tăng thêm là phát sinh từ việc mua công ty con (Tập đoàn không mua đất mà mua công ty con).
c) Ngoài các thông tin đã được cung cấp trong phần (a) và (b), trong kỳ công ty mẹ còn thanh lý một công ty con. Tại ngày thanh lý, giá trị TSCĐ hữu hình của công ty con là 3 tỷ.Chỉ tiêu “Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác” sẽ được xác định như sau:
- Giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ 12 tỷ
- Giá trị TSCĐ hữu hình tăng từ việc mua công ty con 2 tỷ
- Giá trị TSCĐ hữu hình giảm từ việc bán công ty con (3)tỷ
- Tổng giá trị TSCĐ hữu hình đầu kỳ được điều chỉnh 11 tỷ
- Giá trị TSCĐ hữu hình cuối kỳ 15 tỷ
- Tiền mua TSCĐ hữu hình trong kỳ 4 tỷ
Chỉ tiêu “Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ” không có số liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất vì thực chất tập đoàn không bán TSCĐ hữu hình, tập đoàn chỉ thanh lý công ty con.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?