Nguyên đơn hoặc bị đơn chết thì tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hay quyết định tạm đình chỉ vụ án?
Căn cứ vào đâu để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?
Theo khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, theo đó Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
- Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
- Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
- Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;
- Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
- Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
- Theo quy định tại Điều 41 Luật Phá sản 2014;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án
Nguyên đơn hoặc bị đơn chết thì tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hay quyết định tạm đình chỉ vụ án?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:
"1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
..."
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng, theo đó trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
Như vậy, dựa vào căn cứ để tạm đình chỉ, đình chỉ và những quy định nêu trên, nếu nguyên đơn hoặc bị đơn chết thì vụ án sẽ được giải quyết như sau:
- Trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn chết nhưng chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ của họ, cụ thể là người thừa kế thì tòa án sẽ tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến khi xác định được người thừa kế thì người này sẽ tham gia tố tụng thay cho người đã chết.
- Trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn chết nhưng không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ của họ thì tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Hâu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?
Tại Điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cụ thể như sau:
(1) Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó.
(2) Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
(3) Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này thì trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.
- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
(4) Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.
- Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.
(5) Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?