Người thực hiện quan trắc hiện trường bắt buộc có bằng đại học không? Tổ chức không duy trì đủ điều kiện cho quan trắc hiện trường bị xử phạt thế nào?
- Người thực hiện quan trắc hiện trường thì bắt buộc có bằng đại học không?
- Tổ chức không duy trì đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường bị xử phạt thế nào?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức không duy trì đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường là bao lâu?
Người thực hiện quan trắc hiện trường thì bắt buộc có bằng đại học không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 91 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về điều kiện đối với hoạt động quan trắc hiện trường như sau:
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
...
3. Điều kiện đối với hoạt động quan trắc hiện trường:
a) Có tối thiểu 02 cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường. Trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động lấy mẫu hiện trường đối với các thông số ô nhiễm dạng hạt PM (dạng hỗn hợp các hạt rắn và các giọt lỏng) hoặc hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong khí thải thì phải có tối thiểu 04 cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường; các cán bộ có đủ năng lực thực hiện quan trắc hiện trường đối với các thông số đăng ký;
b) Phải có người trực tiếp phụ trách đội quan trắc tại hiện trường có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về môi trường, hóa học, sinh học, lâm nghiệp, thổ nhưỡng và có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường;
c) Người thực hiện quan trắc tại hiện trường tối thiểu phải có trình độ sơ cấp tương ứng với ngạch quan trắc viên tài nguyên môi trường hạng IV. Trong đó, số người có trình độ tương ứng ngạch quan trắc viên tài nguyên và môi trường hạng IV chiếm không quá 30% đội ngũ người thực hiện quan trắc tại hiện trường;
d) Các thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định, bảo đảm độ chính xác theo đúng kỹ thuật quan trắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định; có quy trình thao tác chuẩn đối với tất cả các thiết bị quan trắc tại hiện trường; trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ và an toàn lao động cho cán bộ thực hiện quan trắc tại hiện trường.
...
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 56/2015/TTLT-BTNMT-BNV, được sửa đổi tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 12/2022/TT-BTNMT quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với quan trắc viên tài nguyên môi trường hạng IV như sau:
Quan trắc viên tài nguyên môi trường hạng IV - Mã số: V.06.05.15
...
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các chuyên ngành khí tượng, thủy văn, hải văn, hải dương, môi trường, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu hoặc chuyên ngành khác có liên quan; nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành do cơ quan quản lý viên chức chuyên ngành quan trắc tài nguyên môi trường quy định;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
...
Theo quy định trên, người thực hiện quan trắc hiện trường không bắt buộc phải có bằng đại học, người này chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm.
Quan trắc hiện trường (Hình từ Internet)
Tổ chức không duy trì đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường bị xử phạt thế nào?
Theo điểm b khoản 4, điểm b khoản 7 Điều 17 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường như sau:
Vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
...
4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
b) Không duy trì đầy đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường hoặc phân tích môi trường so với thời điểm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm d khoản 4 Điều này.
...
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, tổ chức không duy trì đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường so với thời điểm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Đồng thời tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức không duy trì đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Các hành vi được quy định tại Điều 9; điểm e, g, h khoản 1, điểm e, g, h khoản 2, điểm e, g, h khoản 3 Điều 11; điểm b, c khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều 13; điểm b, d, e khoản 1, điểm c, d, đ khoản 2, điểm c, d, đ khoản 3, điểm c, d, đ khoản 4 Điều 14; khoản 2, điểm e, g, h khoản 3, điểm e, g, h, i khoản 4, khoản 6 Điều 15 và Điều 38 Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
b) Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 10; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 11; khoản 1 Điều 32; khoản 1 Điều 33; khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định này là hành vi đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phải công khai thông tin hoặc phải nộp báo cáo định kỳ theo quy định;
c) Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 Nghị định này là hành vi đã kết thúc, thì thời hiệu được tính từ thời điểm lấy mẫu;
d) Các hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này là hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm kết thúc được tính từ lúc thực hiện xong hành vi vi phạm;
đ) Trừ các hành vi được quy định tại điểm a, b, c và d khoản này, các hành vi khác được quy định trong Nghị định này được người có thẩm quyền xử phạt xác định thời hiệu xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức không duy trì đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường là 02 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành được thực hiện thế nào?
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?
- Mã dự án đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công có phải là mã số định danh duy nhất?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền và nghĩa vụ gì trong quan hệ lao động? Được thành lập nhằm mục đích gì?
- Mẫu tổng hợp số liệu về đánh giá xếp loại chất lượng đơn vị và công chức, viên chức, người lao động theo Quyết định 3086?