Người sử dụng lao động không tiến hành thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì có bị xử phạt không?
Bảo hiểm xã hội được hiểu thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo hiểm xã hội như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội."
Chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với bảo hiểm xã hội của người lao động nghỉ việc như thế nào?
Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
- Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
+ Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
+ Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là:
"Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
..
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật."
Như vậy, không quá thời gian 30 kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
Người sử dụng lao động không tiến hành thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động có bị xử phạt không?
Như trên đã đề cập, người sử dụng lao động phải chốt sổ cho người lao động, do đó, nếu quá thời gian chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm, cụ thể theo căn cứ tại điểm d khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
"Điều 41. Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
...
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực;
b) Không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1 Điều 59, khoản 1 Điều 60 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;
c) Không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa;
d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội."
Lưu ý: Trên đây là mức phạt đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định này).
Như vậy, trong trường hợp công ty bạn không chốt sổ cho bạn thì khi bị phát hiện, công ty bạn sẽ bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động (tối đa không quá 75.000.000 đồng).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?
- Phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu trong vòng bao nhiêu ngày?