Người quản lý di sản có thể là em họ của người đã mất hay không? Người quản lý di sản có quyền phân chia phần di sản thừa kế chưa được chia hay không?
Người quản lý di sản có thể là em họ của người đã mất hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 về người quản lý di sản cụ thể như sau:
"Điều 616. Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý."
Theo đó, người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do chính những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
Theo thông tin bạn cung cấp, anh bạn để lại di chúc và chỉ định bạn là người quản lý di sản. Điều này hoàn toàn hợp lý với quy định của pháp luật.
Do đó, bạn với tư cách là em họ của người đã mất có quyền trở thành người quản lý di sản của anh họ bạn để lại.
Người quản lý di sản có thể là em họ của người đã mất hay không? (Hình từ Internet)
Người quản lý di sản có quyền phân chia phần di sản thừa kế chưa được chia hay không?
Căn cứ Điều 618 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của người quản lý di sản như sau:
"Điều 618. Quyền của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý."
Đồng thời, khoản 2 Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
"Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
...
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại."
Theo đó, trong trường hợp di chúc có chỉ định người quản lý di sản, đồng thời di sản chưa được chia thì người quản lý di sản chỉ có quyền thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Do đó, trường hợp có phần di sản thừa kế chưa được phân định trong di chúc, người quản lý di sản cũng không có quyền phân chia đối với số di sản này.
Người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc có trách nhiệm cập nhật tình trạng di sản cho người thừa kế hay không?
Theo quy định tại Điều 617 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau:
"Điều 617. Nghĩa vụ của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế."
Trường hợp của bạn là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc, do đó, căn cứ điểm c khoản 1 Điều này, một trong những nghĩa vụ của người quản lý di sản là phải thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giáo viên chủ nhiệm có được tham dự các cuộc họp của Hội đồng kỷ luật học sinh? Giáo viên có được làm chủ tịch Hội đồng kỷ luật học sinh?
- Có phải ký hợp đồng đào tạo khi người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình không?
- Những ai được bắt người đang bị truy nã? Có được bắt người đang bị truy nã vào ban đêm hay không?
- Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là bao lâu? Theo Luật Đất đai 2024 chuyển nhượng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng có được không?
- Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở có phải cơ sở xác định tổng mức đầu tư xây dựng không?