Người không biết chữ có được giao kết hợp đồng không? Làm sao để giao kết hợp đồng nếu không biết chữ?
Người không biết chữ có được tự mình giao kết hợp đồng không?
Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, người không biết chữ hoàn toàn có quyền giao kết hợp đồng nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời điểm giao kết hợp đồng như sau:
Thời điểm giao kết hợp đồng
...
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.
Và tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng như sau:
Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Từ các quy định trên cho thấy, người không biết chữ vẫn có thể giao kết hợp đồng được nếu đảm bảo có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập và tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
Hơn nữa pháp luật cũng tạo điều kiện thuận lợi khi đối với các hợp đồng thông thường thì các chủ thể có thể lựa chọn hình thức là bằng lời nói, cử chỉ hoặc văn bản.
Còn đối với một số trường hợp đặc biệt như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải đảm bảo hình thức theo đúng quy định pháp luật.
Người không biết chữ có được giao kết hợp đồng không? Làm sao để giao kết hợp đồng nếu không biết chữ? (Hình từ Internet)
Người không biết chữ muốn giao kết hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì phải làm sao?
Căn cứ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:
Hình thức giao dịch dân sự
...
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Và tại khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định về việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:
Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
...
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Như vậy, người không biết chữ muốn giao kết những hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì có thể sử dụng điểm chỉ để thay cho việc ký tên.
Cần lưu ý gì khi điểm chỉ thay cho chữ ký?
Cũng tại khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định về việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, yêu cầu khi sử đụng điểm chỉ thay cho ký là:
- Về nguyên tắc, phải sử dụng ngón trỏ phải để điểm chỉ.
- Trường hợp không sử dụng được bằng ngón trỏ phải thì sử dụng ngón trỏ trái.
- Nếu không thể sử dụng được bằng cả hai ngón trỏ thì sử dụng ngón khác bất kỳ và phải ghi rõ (sử dụng ngón nào của bàn tay nào) vào văn bản cần công chứng.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định về trường hợp điểm chỉ có thể thực hiện đồng thời với việc ký như sau:
Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
...
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
...
Như vậy, người không biết chữ cần lưu ý những điều trên khi giao kết hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?
- Dự án bất động sản có phải tuân thủ giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng không?