Người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm hay không? Đương sự kháng cáo có phải chịu án phí phúc thẩm không?
Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định hiện nay là bao lâu?
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về thời hạn kháng cáo như sau:
“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
[…]
3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận."
Như vậy, thời hạn tiến hành kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trong trường hợp bạn không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày bạn nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp bạn đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Lưu ý: Trường hợp bạn gửi đơn kháng cáo bằng dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo tại phiên tòa hay không?
Người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm hay không?
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị như sau:
“1. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật này thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.
2. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, người kháng cáo vẫn có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm. Nếu thời hạn kháng cáo đã hết thì việc thay đổi, bổ sung kháng cáo phải không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu. Trường hợp thời hạn kháng cáo vẫn còn thì việc thay đổi, bổ sung sẽ không bị giới hạn.
Đương sự kháng cáo có phải chịu án phí phúc thẩm không?
Theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm như sau:
“Điều 148. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm
1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.”
Như vậy, việc đương sự kháng cáo có phải chịu án phí phúc thẩm không sẽ phụ thuộc vào quyết định xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định trên.
Trên đây là những quy định mới nhất liên quan đến việc người kháng cáo thay đổi, bổ sung kháng cáo ngay tại phiên tòa, nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của người kháng cáo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 26 tháng 11 là ngày gì? Ngày 26 tháng 11 năm 2024 là ngày bao nhiêu âm lịch? Ngày 26 tháng 11 năm 2024 là thứ mấy?
- Báo cáo tổng kết chi hội Cựu chiến binh thôn, xã, khu dân cư năm 2024? Mẫu báo cáo tổng kết chi hội Cựu chiến binh 2024?
- Những thông tin về an toàn lao động có bắt buộc phải được công khai rộng rãi đến công chúng không?
- Lời dẫn chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn? Bản kiểm điểm Đảng viên năm 2024 mẫu 2A, mẫu 2B?
- Tặng cho nhà ở có bắt buộc phải lập thành văn bản không? Nhận tặng cho nhà ở có bắt buộc phải đi đăng ký quyền sở hữu không?