Người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội thì bị xử phạt thế nào?
- Người là nạn nhân của bạo lực gia đình có được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội không?
- Người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội thì bị xử phạt thế nào?
- Thời hiệu xử phạt người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội là bao lâu?
Người là nạn nhân của bạo lực gia đình có được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP về đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở trợ giúp xã hội) như sau:
Đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở trợ giúp xã hội)
1. Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bao gồm:
a) Đối tượng quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 5 của Nghị định này thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;
b) Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;
c) Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm:
a) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;
b) Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú;
c) Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Người chưa thành niên, người không còn khả năng lao động là đối tượng thuộc diện chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội tối đa không quá 03 tháng. Trường hợp quá 3 tháng mà không thể đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng thì cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở trợ giúp xã hội xem xét, quyết định giải pháp phù hợp.
5. Đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm:
a) Người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc;
b) Người không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo quy định trên, người là nạn nhân của bạo lực gia đình thuộc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp nên người này có thể được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội.
Cơ sở trợ giúp xã hội (Hình từ Internet)
Người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hồ sơ hưởng chính sách trợ giúp xã hội như sau:
Vi phạm quy định về hồ sơ hưởng chính sách trợ giúp xã hội
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 10 người trở lên.
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Khai báo gian dối để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Khai báo gian dối để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng;
c) Khai báo gian dối để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;
b) Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 4 Điều này.
Theo đó, người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đồng thời người này sẽ bị dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Thời hiệu xử phạt người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt người khai báo gian dối là nạn nhân của bạo lực gia đình để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?