Người giám định trong vụ án hành chính có quyền và nghĩa vụ gì? Người giám định kết luận giám định sai sự thật bị xử phạt hành chính như thế nào?
Người giám định trong vụ án hành chính có quyền và nghĩa vụ gì?
Người giám định trong vụ án hành chính (Hình từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 63 Luật Tố tụng Hành chính 2015, người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần được giám định, được các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn hoặc được Tòa án trưng cầu để giám định đối tượng đó theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 63 Luật Tố tụng Hành chính 2015, người giám định trong vụ án hành chính có quyền và nghĩa vụ sau:
- Được đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định;
- Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề liên quan đến đối tượng giám định;
- Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định;
- Thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;
- Bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;
- Không được tự mình thu thập tài liệu là đối tượng giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ người đã quyết định trưng cầu giám định;
- Độc lập đưa ra kết luận giám định; kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ;
- Được thanh toán các khoản chi phí theo quy định của pháp luật;
- Cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Người giám định trong vụ án hành chính bị thay đổi trong những trường hợp nào?
Theo khoản 3 Điều 63 Luật Tố tụng Hành chính 2015, người giám định trong vụ án hành chính bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;
- Đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó;
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
- Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo Điều 65 Luật Tố tụng Hành chính 2015, thủ tục đề nghị thay đổi người giám định trong vụ án hành chính được thực hiện như sau:
- Trước khi mở phiên tòa, việc từ chối người giám định, hoặc đề nghị thay đổi người giám định, phải được lập thành văn bản và nêu rõ lý do của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi; việc thay đổi người giám định, do Chánh án Tòa án quyết định.
- Tại phiên tòa, việc từ chối người giám định, hoặc đề nghị thay đổi người giám định, phải được ghi vào biên bản phiên tòa; việc thay đổi người giám định do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi.
Người giám định trong vụ án hành chính kết luận giám định sai sự thật thì bị xử phạt hành chính như thế nào?
Theo khoản 4 Điều 18 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định về hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền như sau:
Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền
...
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa;
b) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;
c) Người giám định kết luận giám định sai sự thật;
d) Người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật.
...
Như vậy, người giám định trong vụ án hành chính kết luận giám định sai sự thật thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm. Đối với chủ thể của hành vi vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ bằng 2 lần mức phạt của cá nhân (khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức mua bán nợ xấu có được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường không?
- Công văn 9582 về cấp định danh tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã như thế nào? Xem toàn văn Công văn 9582 ở đâu?
- Giữ thẻ căn cước trái quy định pháp luật là gì? Nghĩa vụ của công dân khi bị giữ thẻ căn cước được quy định thế nào?
- Kịch bản chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024? Kịch bản kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024?
- Thủ tục cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công cấp trung ương ra sao?