Người bị bệnh hiểm nghèo là người tiêu dùng dễ bị tổn thương? Những bệnh nào được xem là bệnh hiểm nghèo?
Người bị bệnh hiểm nghèo là người tiêu dùng dễ bị tổn thương?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về người tiêu dùng dễ bị tổn thương như sau:
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương
1. Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
a) Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;
b) Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
c) Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em;
d) Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
đ) Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
e) Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;
g) Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người tiêu dùng dễ bị tổn thương được hiểu là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều bất lợi về việc tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp khi mua, sử dụng các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, đối tượng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo quy định bao gồm:
- Người cao tuổi;
- Người khuyết tật;
- Trẻ em;
- Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người bị bệnh hiểm nghèo;
- Thành viên hộ nghèo.
Như vậy, người bị bệnh hiểm nghèo là người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Người bị bệnh hiểm nghèo là người tiêu dùng dễ bị tổn thương? Những bệnh nào được xem là bệnh hiểm nghèo? (Hình từ Internet)
Những bệnh nào được xem là bệnh hiểm nghèo?
Hiện nay chưa có văn bản quy định thống nhất thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo.
Việc xác định thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo mới chỉ được quy định tại một số văn bản như:
Theo khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như:
- Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên;
- HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 140/2021/NĐ-CP cũng có một quy định về bệnh hiểm nghèo gần như là tương đồng với Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể:
Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như:
- Ung thư giai đoạn cuối, bại liệt, phong hủi, lao đã kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS hoặc
- Bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với danh mục các bệnh hiểm nghèo sẽ được quy định như sau:
Đầu tiên, tại danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành thèm theo Thông tư 26/2014/TT-BQP quy định danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm:
- Các bệnh ung thư.
- Các bệnh hệ thần kinh.
- Các bệnh về gan.
- Các bệnh hệ tiết niệu.
- Các bệnh chuyển hóa.
- Các bệnh hệ hô hấp.
- Các bệnh hệ tuần hoàn.
- các bệnh hệ cơ, xương, khớp.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch.
Đồng thời, tại Phụ lục IV danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP cũng có quy định thêm 42 trường hợp loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo, bao gồm:
1. Ung thư | 16. Teo cơ tiến triển | 30. Bệnh Lupus ban đỏ |
2. Nhồi máu cơ tim lần đầu | 17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng | 31. Ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận) |
3. Phẫu thuật động mạch vành | 18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết | 32. Bệnh lao phổi tiến triển |
4. Phẫu thuật thay van tim | 19. Thiếu máu bất sản | 33. Bỏng nặng |
5. Phẫu thuật động mạch chủ | 20. Liệt hai chi | 34. Bệnh cơ tim |
6. Đột quỵ | 21. Mù hai mắt | 35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ |
7. Hôn mê | 22. Mất hai chi | 36. Tăng áp lực động mạch phổi |
8. Bệnh xơ cứng rải rác | 23. Mất thính lực | 37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động |
9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ | 24. Mất khả năng phát âm | 38. Chấn thương sọ não nặng |
10. Bệnh Parkinson | 25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn | 39. Bệnh chân voi |
11. Viêm màng não do vi khuẩn | 26. Suy thận | 40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp |
12. Viêm não nặng | 27. Bệnh nang tủy thận | 41. Ghép tủy |
13. U não lành tính | 28. Viêm tụy mãn tính tái phát | 42. Bại liệt |
14. Loạn dưỡng cơ | 29. Suy gan | |
15. Bại hành tủy tiến triển |
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người bị bệnh hiểm nghèo là người tiêu dùng dễ bị tổn thương?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm như sau:
- Bảo đảm việc thực hiện quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật;
- Áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
- Không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán;
- Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch;
- Xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc biện pháp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bảo đảm quyền khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp và các quyền khác của người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
- Xây dựng, cập nhật, công khai cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương các nội dung quy định tại khoản này theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và đào tạo, tập huấn cho người lao động của mình về các nội dung đó.
Trách nhiệm quy định tại điểm này không bắt buộc áp dụng đối với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp doanh nghiệp đó thực hiện giao dịch quy định tại Chương 3 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;
- Trách nhiệm khác theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Để thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng 1 cần đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện gì?
- Hệ thống ứng dụng quản lý thuế là gì? Hệ thống ứng dụng quản lý thuế bao gồm những hệ thống nào?
- Đã có Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024?
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản thuộc loại hình bảo hiểm nào? Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tài sản?
- Thời gian báo cáo công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương và địa phương là khi nào? 06 nội dung cơ bản công tác quốc phòng?