Nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân là gì? Công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo của ai?
Nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân là gì?
Nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được giải thích tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 27/2023/TT-BCA như sau:
Nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân (viết gọn là nghiên cứu chiến lược) là hoạt động nghiên cứu khoa học đặc thù, được thực hiện thông qua triển khai Chương trình nghiên cứu chiến lược và xây dựng Báo cáo nghiên cứu chiến lược, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và căn cứ thực tiễn phục vụ công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân.
Như vậy, theo quy định trên thì nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân là hoạt động nghiên cứu khoa học đặc thù, được thực hiện thông qua triển khai Chương trình nghiên cứu chiến lược và xây dựng Báo cáo nghiên cứu chiến lược;
Nhằm cung cấp luận cứ khoa học và căn cứ thực tiễn phục vụ công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân.
Nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân là gì? (Hình từ Internet)
Công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo của ai?
Công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2023/TT-BCA như sau:
Nguyên tắc của công tác nghiên cứu chiến lược
1. Đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; nghiên cứu chiến lược là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.
2. Phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng Công an nhân dân, thể hiện tính khoa học, cách mạng và tinh thần tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công của lực lượng Công an nhân dân.
3. Việc tổ chức công tác nghiên cứu chiến lược phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân, triển khai các chương trình, báo cáo nghiên cứu chiến lược được xây dựng, điều chỉnh theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn.
4. Phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, toàn diện của Công an nhân dân và huy động các tổ chức, đội ngũ chuyên gia ngoài Công an nhân dân, học giả quốc tế có liên quan tham gia.
5. Coi trọng hợp tác trong nước và quốc tế, nhất là với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu uy tín trong công tác nghiên cứu chiến lược của các ngành, quốc gia có liên quan; chú trọng áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác nghiên cứu chiến lược.
Như vậy, theo quy định trên thì công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an;
Và nghiên cứu chiến lược là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.
Đơn vị nào chủ trì công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân?
Đơn vị chủ trì công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 27/2023/TT-BCA như sau:
Chủ thể công tác nghiên cứu chiến lược
1. Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an là đơn vị chủ trì, tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất chỉ đạo, quản lý công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân; có chức năng quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ công tác nghiên cứu chiến lược trong Công an nhân dân.
2. Viện Chiến lược Công an thuộc Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an là đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên trách của Bộ Công an; có chức năng tổ chức nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược về xây dựng, phát triển đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng, hậu cần - kỹ thuật Công an nhân dân và các vấn đề an ninh toàn cầu, an ninh châu Á - Thái Bình Dương, an ninh Đông Nam Á có tác động đến Việt Nam.
3. Viện, phòng, ban, trung tâm có chức năng nghiên cứu, tham mưu chiến lược trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định là đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên ngành, bao gồm:
Ban Nghiên cứu chiến lược về an ninh quốc gia (sử dụng tên “Trung tâm An ninh toàn cầu” khi trao đổi học giả); Ban Nghiên cứu chiến lược về trật tự, an toàn xã hội (sử dụng tên “Trung tâm An ninh Châu Á - Thái Bình Dương” khi trao đổi học giả); Ban Nghiên cứu chiến lược về xây dựng lực lượng và hậu cần - kỹ thuật Công an nhân dân (sử dụng tên “Trung tâm An ninh Đông Nam Á” khi trao đổi học giả) thuộc Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an.
Viện Khoa học an ninh thuộc Học viện An ninh nhân dân; Viện Khoa học cảnh sát thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân; Viện Khoa học chính trị Công an nhân dân thuộc Học viện Chính trị Công an nhân dân; Phòng 5 thuộc B01.
4. Công an đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược kiêm nhiệm về vấn đề, lĩnh vực, địa bàn cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ và phân công của Bộ Công an.
5. Cán bộ nghiên cứu chiến lược gồm: Cán bộ nghiên cứu chiến lược chuyên trách thuộc đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên trách, cán bộ nghiên cứu chiến lược kiêm nhiệm thuộc đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên ngành và Công an đơn vị, địa phương.
Như vậy, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an là đơn vị chủ trì, tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất chỉ đạo, quản lý công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân; có chức năng quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ công tác nghiên cứu chiến lược trong Công an nhân dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?
- Kinh doanh các loại pháo bao gồm những gì? Cơ sở kinh doanh các loại pháo cần phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự không?
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?