Nghĩa vụ của bên được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền là gì? Bên được ủy quyền có được phép ủy quyền lại không?
Bất kì cá nhân nào có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch hoặc ủy quyền cho chủ thể khác đại diện cho mình để xác lập, thực hiện những giao dịch này. Chính vì vậy, việc xác lập một thỏa thuận giữa người ủy quyền và người được ủy quyền thông qua hình thức hợp đồng ủy quyền là một trong những giao dịch rất phổ biến hiện nay và đã được pháp luật quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015. Vậy hợp đồng ủy quyền là gì? Nghĩa vụ của bên được ủy quyền được pháp luật quy định như thế nào? Bên được ủy quyền có được phép ủy quyền lại cho người khác không?
Hợp đồng ủy quyền là gì?
Tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:
“Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Quyền của bên được ủy quyền được pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 566 Bộ luật Dân sự 2015, quyền của bên được ủy quyền trong hợp được ủy quyền bao gồm:
- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
- Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
Nghĩa vụ của bên được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền là gì?
Nghĩa vụ của bên được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền
Căn cứ theo Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:
“Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.”
Như vậy, khi bạn giao dịch bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, ngoài việc thực hiện các công việc theo hợp đồng ủy quyền đã kí kết, bạn còn phải thực hiện một số nghĩa vụ như sau:
- Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm các nghĩa vụ trên.
Bên được ủy quyền có được phép ủy quyền lại không?
Theo Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc ủy quyền lại như sau:
“Điều 564. Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì bạn được phép giao dịch chiếc xe trên bằng hợp đồng ủy quyền cho người khác khi có sự đồng ý của bên ủy quyền. Thông thường, nội dung về việc có được phép ủy quyền cho người khác hay không sẽ được đề cập trong hợp đồng ủy quyền ban đầu giữa bạn và người chủ xe.
Ngoài ra, khi thực hiện ủy quyền lại, bạn không được phép ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền bạn đầu và hình thực hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng ủy quyền, nghĩa vụ của bên được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền, quy định về ủy quyền lại. Bạn có thể tham khảo, đối chiếu với trường hợp của mình để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đất nghĩa trang có thuộc nhóm đất chưa sử dụng? Đất nghĩa trang được nhà nước giao cho tổ chức kinh tế bằng hình thức nào?
- Mẫu Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên cuối năm? Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên được thông báo đến ai?
- Tam tai là gì? Cúng sao giải hạn tam tai có phải mê tín dị đoan không? Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
- Nhóm kín, nhóm tele, nhóm zalo chia sẻ link 18+, link quay lén trong group kín thì có bị phạt tù không?
- Chủ đầu tư có phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường hay không?