Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện giao dịch đối ứng với sản phẩm phái sinh lãi suất là quyền chọn lãi suất không?
Bản chất của giao dịch dịch đối ứng là gì?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư 40/2016/TT-NHNN, giao dịch đối ứng được hiểu như sau:
"10. Giao dịch đối ứng là giao dịch ngân hàng thương mại thực hiện với đối tác nước ngoài nhằm mục đích cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng."
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 8 Thông tư 01/2015/TT-NHNN quy định như sau:
"1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện giao dịch đối ứng với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất trên thị trường trong nước hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho hợp đồng phái sinh lãi suất đã cung ứng cho khách hàng trên thị trường trong nước."
Theo đó, giao dịch đối ứng trong trường hợp này được thực hiện với một bên chủ thể là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên còn lại là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất trên thị trường trong nước hoặc tổ chức tài chính nước ngoài.
Ngân hàng thương mại được phép thực hiện giao dịch đối ứng với sản phẩm phái sinh lãi suất là quyền chọn lãi suất không?
Các loại sản phẩm phái sinh lãi suất mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện giao dịch đối ứng là các sản phẩm phái sinh lãi suất quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2015/TT-NHNN (theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 01/2015/TT-NHNN)
Theo đó, các loại sản phẩm phái sinh lãi suất được phép thực hiện giao dịch đối ứng trong trường hợp này bao gồm:
(1) Sản phẩm lãi suất kỳ hạn (Forward rate agreement): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, theo đó vào ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất các bên thỏa thuận xác định mức lãi suất kỳ hạn sẽ áp dụng trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa; vào ngày đến hạn hợp đồng phái sinh lãi suất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc khách hàng thanh toán một lần duy nhất số tiền chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng phái sinh lãi suất với lãi suất tham chiếu trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa.
(2) Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền (Interest rate swap):
a) Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền (Interest rate swap): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, trong đó các bên thỏa thuận định kỳ thanh toán cho nhau khoản tiền lãi bằng cùng một đồng tiền (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ) tính theo lãi suất được nhận và phải trả đã thỏa thuận (lãi suất cố định hoặc thả nổi) trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa;
b) Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền cộng dồn (Accrual Interest Rate Swap): Là sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa (trừ giá vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật) và được cộng dồn theo kỳ thanh toán đã thỏa thuận trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa. (được sửa đổi bởi điểm a khoản 5 Điều 1 Thông tư 25/2021/TT-NHNN)
(3) Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền hoặc hoán đổi tiền tệ chéo (Cross currency swap):
a) Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền (Cross currency swap): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, trong đó các bên thỏa thuận định kỳ thanh toán cho nhau khoản tiền lãi bằng hai đồng tiền khác nhau tính trên giá trị khoản vốn danh nghĩa;
b) Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền cộng dồn (Accrual Cross Currency Swap): Là sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa (trừ giá vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật) và được cộng dồn theo kỳ thanh toán đã thỏa thuận trên giá trị khoản vốn danh nghĩa; (được sửa đổi bởi điểm b khoản 5 Điều 1 Thông tư 25/2021/TT-NHNN)
(4) Sản phẩm quyền chọn lãi suất (Interest rate option):
a) Quyền chọn lãi suất giới hạn trần (Interest Rate Option - Cap): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho khách hàng quyền (không phải nghĩa vụ bắt buộc) được mua mức lãi suất giới hạn trần trên giá trị khoản vốn danh nghĩa tại thời điểm trước ngày đến hạn hoặc vào ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất biến động tăng.
b) Quyền chọn lãi suất giới hạn sàn (Interest Rate Option - Floor): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho khách hàng quyền (không phải nghĩa vụ bắt buộc) được mua mức lãi suất giới hạn sàn trên giá trị khoản vốn danh nghĩa tại thời điểm trước ngày đến hạn hoặc vào ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất biến động giảm.
c) Quyền chọn lãi suất kết hợp trần - sàn (Interest Rate Option - Collar): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho khách hàng (không phải nghĩa vụ bắt buộc) được mua mức lãi suất giới hạn trần, đồng thời mua từ khách hàng quyền (không phải nghĩa vụ bắt buộc) được mua mức lãi suất giới hạn sàn, trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa tại thời điểm trước ngày đến hạn hoặc vào ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất.
Căn cứ quy định trên, có thể thấy sản phẩm quyền chọn lãi suất là một trong những loại sản phẩm phái sinh lãi suất được phép thực hiện giao dịch đối ứng bởi ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Giao dịch đối ứng được thực hiện theo quy định nào?
(1) Về thời hạn và giá trị của giao dịch đối ứng: quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 01/2015/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 25/2021/TT-NHNN
a) Đối với trường hợp thực hiện một hoặc nhiều giao dịch đối ứng cho một hợp đồng phái sinh lãi suất mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cung ứng cho khách hàng, thời hạn thực hiện của từng giao dịch đối ứng và tổng giá trị còn lại (tính theo từng đồng tiền) của các khoản trao đổi vốn gốc của các giao dịch đối ứng sau khi thực hiện bù trừ lẫn nhau không vượt quá thời hạn còn lại và giá trị khoản vốn danh nghĩa của hợp đồng phái sinh lãi suất;
b) Đối với trường hợp thực hiện giao dịch đối ứng cho từ hai hợp đồng phái sinh lãi suất trở lên, thời hạn và giá trị của giao dịch đối ứng không vượt quá thời hạn còn lại dài nhất của hợp đồng phái sinh lãi suất và tổng giá trị các khoản vốn danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh lãi suất.
(2) Về quy định thực hiện: quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 01/2015/TT-NHNN
a) Thực hiện các quy định liên quan của pháp luật về hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế;
b) Thực hiện với tổ chức tài chính nước ngoài được xếp hạng tín nhiệm tối thiểu Baa/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody's Investors Service hoặc BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard&Poor’s hoặc BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings tại thời điểm giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất, trừ trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch đối ứng với ngân hàng mẹ hoặc với chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ.
Như vậy, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện giao dịch đối ứng với sản phẩm phái sinh lãi suất là quyền chọn lãi suất. Việc thực hiện giao dịch đối ứng trong trường hợp này cần được đảm bảo thực hiện dựa trên quy định về chủ thể, thời gian, điều kiện luật định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?