Ngân hàng Phát triển Việt Nam thuộc loại hình nào, do ai sở hữu, điều hành? Ngân hàng này có chức năng gì?
Ngân hàng Phát triển Việt Nam có phải tổ chức tín dụng không?
Điều 3 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 quy định về địa vị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
"Điều 3. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
..."
Đồng thời, khoản 1, 2 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định liên quan như sau:
"1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
2. Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã."
Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách, được xem là một loại tổ chức tín dụng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam do ai sở hữu, quản lý, điều hành?
Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Điều lệ) ban hành kèm theo Quyết định 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015, những đối tượng sở hữu, quản lý, điều hành Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như sau:
(1) Chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Điều 4 Điều lệ
- Nhà nước là chủ sở hữu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính.
- Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nhiệm vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Điều lệ này.
- Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo phân cấp quy định tại Điều lệ này.
(2) Người quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát (khoản 1 Điều 1 Điều lệ)
(3) Ban điều hành bao gồm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Người điều hành Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (khoản 2, 3 Điều 1 Điều lệ).
Chức năng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Chức năng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là gì?
Điều 10 Điều lệ quy định một số chức năng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
(1) Hoạt động huy động vốn:
a) Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật;
b) Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật;
c) Vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;
d) Vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
đ) Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức trong nước và nước ngoài;
e) Huy động các nguồn vốn khác phù hợp quy định của pháp luật.
(2) Hoạt động tín dụng:
a) Cho vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước; cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
b) Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
d) Cho vay vốn ngắn hạn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc ngân sách nhà nước không cấp bù chênh lệch lãi suất.
(3) Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác:
a) Nhận ủy thác huy động vốn, ủy thác cho vay theo quy định của pháp luật;
b) Nhận ủy thác điều hành hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và quỹ tài chính địa phương theo mục tiêu phát triển của địa phương;
c) Ủy thác cho các tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật;
d) Ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
(4) Tham gia thị trường liên ngân hàng; tổ chức thanh toán nội bộ; cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; thực hiện hoạt động ngoại hối; tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
(5) Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được mở tài khoản tiền gửi hay không?
Điểm a khoản 2 Điều 11 Điều lệ quy định về quyền hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó có:
"Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quyền:
a) Được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; mở tài khoản cho khách hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
..."
Có thể thấy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được phép mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số quy định về Ngân hàng Phát triển Việt Nam về địa vị, chủ sở hữu, đối tượng quản lý, điều hành và chức năng hoạt động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?